Chiều 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển giáo dục, đào tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về dự thảo phát triển giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan.
* Có lộ trình miễn viện phí cho nhân dân
Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới thể hiện các mục tiêu, lộ trình miễn viện phí cho nhân dân; việc khám sức khoẻ định kỳ; bảo đảm vaccine, tiêm chủng; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; đảm bảo về cung ứng thuốc, thiết bị y tế, ứng dụng khoa học, công nghệ hiệu quả…
Dự thảo đề xuất cá nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như: đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chăm sóc sức khoẻ nhân dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, y học cổ truyền; đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho nhân lực y tế; đẩy mạnh cải cách tài chính y tế; đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế; đột phá về phát triển y tế tư nhân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế…
Sau khi các đại biểu thảo luận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Trong đó kế thừa, tiếp thu các Nghị quyết, kết luận, chiến lược liên quan y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã có; đồng thời làm sâu sắc, toàn diện, sâu sắc, bao trùm, toàn diện hơn, đặc biệt tháo gỡ các điểm nghẽn, tìm ra điểm đột phá cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; đáp ứng mong muốn của người dân; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực cho phát triển y tế, với cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là hợp tác công tư để tạo đột phá trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân; thực hiện trên tinh thần phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi và công cụ kiểm tra, giám sát; giảm thủ tục, đơn giản hoá thủ tục hành chính, xoá bỏ cơ chế xin – cho.
Nghị quyết phải bao hàm nội dung liên quan trong "bộ tứ chiến lược", tạo điểm tựa, đòn bẩy cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; thay đổi từ khám, chữa bệnh là chính, sang chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân là chính, với phương châm "chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân là trên hết, trước hết, là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; khám, chữa bệnh là thường xuyên, đột xuất".
Đặc biệt, triển khai chăm sóc sức khoẻ nhân dân theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; đảm bảo tiếp cận bình đẳng về y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người; phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; nâng cao thể lực người Việt Nam, khắc phục già hoá dân số; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp vaccine; nâng cao chất lượng y tế, phát triển dịch vụ du lịch chữa bệnh cho người nước ngoài; xây dựng bệnh viện số, bệnh viện thông minh; có lộ trình miễn viện phí cho nhân dân, trước hết miễn phí khám, chữa bệnh cho trẻ em…
* Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tập trung vào những ngành mới nổi
Cùng với chỉ rõ những thành tựu phát triển giáo dục, đào tạo thời gian qua, những điểm nghẽn phát triển giáo dục và đào tạo, yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới, định hướng xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hoá, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo tập trung mở rộng tiếp cận giáo dục công bằng; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng lực lượng lao động; hiện đại hoá giáo dục đại học, phát triển nhân lực chất lượng cao và nhân tài công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất các giải pháp đột phá gồm: đột phá trong quản lý nhà nước, giải phóng mọi tiềm lực và sức sáng tạo; đột phá về cơ chế, chính sách tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá; đột phá đầu tư hiện đại hoá các cơ sở giáo dục; đột phá chuyển đổi số toàn diện, phổ cấp tiếng Anh, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo; đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng nghề cao, gắn với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo phải kế thừa, làm sâu sắc, toàn diện, sâu sắc, bao trùm, toàn diện hơn các Nghị quyết, kết luận, chiến lược liên quan giáo dục và đào tạo; chỉ ra và đề xuất giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, tìm ra điểm đột phá và đặc biệt là giải pháp huy động nguồn lực cho cho phát triển giáo dục, đào tạo; thực hiện trên tinh thần phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi và công cụ kiểm tra, giám sát; giảm thủ tục, đơn giản hoá thủ tục hành chính, xoá bỏ cơ chế xin – cho.
Thủ tướng yêu cầu nêu rõ phạm vi đề cập của Nghị quyết là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề, giáo dục đại học và giáo dục trên đại học; có giải pháp nhằm đảm bảo tiếp cận bình đẳng về giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; lộ trình phổ cập ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và tiếng các nước láng giềng; giải pháp giáo dục văn hoá, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể chất để người học phát triển toàn diện; phân luồng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề; đào tạo trên đại học cần tập trung đào tạo vào các ngành mới nổi; có chương trình đào tạo nhân tài; xây dựng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu; rà soát loại hệ thống trường lớp, cơ sở đào tạo để đầu tư tập trung đạt chuẩn cả về chất lượng, quy mô…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ chủ trì tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời tiếp tục xin ý kiến của các chủ thể liên quan; hoàn thiện các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan để trình Bộ Chính trị xem xét đảm bảo chất lượng, thời gian theo yêu cầu./.