Ảnh minh họa. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Theo ông Lê Văn Thinh, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh kinh tế quốc tế tiếp tục biến động, xung đột, căng thẳng thương mại kéo dài, xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng các chính sách bảo hộ thương mại, các nhà đầu tư có tâm lý chờ quyết định của các nước lớn để hoạch định dự án.
Do vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, các khu công nghiệp thành phố cần xác định rõ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm vừa mang tính kế thừa, vừa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp trong giai đoạn tới. “Đặc biệt, cần tập trung các giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, chú trọng thu hút đầu tư trong nước, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp…”, ông Thinh cho biết.
Ông Lê Văn Thinh cũng lưu ý các khu công nghiệp cần thu hút đầu tư có chọn lọc; tập trung vào các dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, trong các lĩnh vực sản xuất vi mạch, bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, trung tâm dữ liệu, nghiên cứu và phát triển (R&D), nhất là các dự án không bị ảnh hưởng bởi thuế quan thương mại như: dịch vụ phần mềm, trung tâm dữ liệu…
Các khu công nghiệp cần chủ động theo sát, hỗ trợ thủ tục cho các dự án lớn đã được nhà đầu tư đề xuất trên địa bàn và các nhà đầu tư tiềm năng đang trong giai đoạn khảo sát vị trí; triển khai cơ chế thủ tục đầu tư đặc biệt cho phép tích hợp các thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy vào một quy trình rút gọn thống nhất (Điều 36a Luật số 57/2024/QH15).
Ông Thinh cũng nhấn mạnh đến việc “tạo quỹ đất thu hút đầu tư”, thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các sở ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp mới hơn, hiệu quả hơn; thường xuyên rà soát các dự án chậm triển khai tiến tới chấm dứt hoạt động đối với các dự án đầu tư không hiệu quả hoặc bỏ trống kéo dài theo đúng quy định pháp luật.
Để thu hút hiệu quả đầu tư trong và ngoài nước, ông Thinh cũng nêu rõ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng các chính sách hỗ trợ đặc thù các doanh nghiệp công nghệ cao; tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng để tạo nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ.
Thành phố cũng cần tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là kết nối với các doanh nghiệp FDI lớn để tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường quốc tế ; tăng cường mối quan hệ với các hiệp hội doanh nghiệp, phòng thương mại (Jetro, EuroCham, AmCham...) để tiếp xúc, kết nối với doanh nghiệp FDI tiềm năng; dự báo các diễn biến có khả năng gây tác động đến hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời có biện pháp ứng phó…/.