Tin tức

Quảng Bình giới thiệu tiềm năng đầu tư và du lịch tại Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, chiều 12/6, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp ở thủ đô Paris, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và du lịch Quảng Bình.
  Lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa lãnh đạo Sở du lịch tỉnh Quảng Bình và đại diện Công ty Vivu Journey tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ảnh: Nguyễn Thu Hà - PV TTXVN tại Pháp  
Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Bình tổ chức một sự kiện quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư trực tiếp tại Pháp, với mong muốn quảng bá các điểm đến du lịch cũng như đưa Quảng Bình đến gần hơn với các doanh nghiệp tại thị trường Pháp và các nước châu Âu, để chia sẻ, hợp tác và cùng nhau biến các tiềm năng, thế mạnh, ý tưởng thành hiện thực, thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch, giúp Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới.
  Tại hội nghị, các đại biểu là những đại diện doanh nghiệp lữ hành Pháp và Việt kiều đã được nghe giới thiệu các nội dung chính về quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030 với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng được giới thiệu như một điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt, có nhiều tiềm năng, thế mạnh, và cơ hội đầu tư vào tỉnh qua công nghệ thực tế ảo, video, ấn phẩm quảng bá, giới thiệu về du lịch và đầu tư.
  Cùng với việc giới thiệu những chính sách, cam kết của tỉnh trong hỗ trợ, đồng hành với các nhà đầu tư khi triển khai các dự án trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe các ý kiến đóng góp và trả lời những câu hỏi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần mở ra nhiều chương trình hợp tác, dự án đầu tư trong thời gian tới.
  Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Với phương châm coi sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh, Quảng Bình luôn mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu phát triển của tỉnh thành hiện thực".
  Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cũng khẳng định: "Du lịch đóng một vai trò quan trọng trong việc gắn kết nhân dân hai nước. Ngày càng có nhiều du khách Pháp khám phá vẻ đẹp của Việt Nam mỗi năm và Quảng Bình có đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến yêu thích của du khách Pháp". Đại sứ tin rằng việc thúc đẩy phát triển du lịch và đầu tư của Pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sẽ góp phần mang lại sự thịnh vượng chung cho cả hai bên.
  Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề hội nghị, bà Gwenaelle Mary đại diện công ty IFTM Top Resa cho biết do phụ trách thị trường du lịch Việt Nam và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bà đến tham dự sự kiện này với mong muốn tìm hiểu tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung, mời các đối tác tham dự Hội chợ triển lãm du lịch Top Resa, hội chợ quốc tế về du lịch lớn nhất nước Pháp, sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới. Bà cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút du khách Pháp vì rất nhiều người Pháp thích đi du lịch châu Á. Bên cạnh đó, Pháp có nhiều công ty du lịch lữ hành lớn, năng động và có uy tín trong việc tổ chức các tour du lịch đến khu vực này, đặc biệt là các gói kết hợp các điểm đến ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Theo bà, để thu hút nhiều du khách Pháp hơn nữa, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các công ty lữ hành này, đưa các điểm đến hấp dẫn của địa phương vào các gói du lịch, kèm theo các chương trình khuyến mại cho các tour cá nhân hoặc theo nhóm. "Đất nước các bạn có nhiều lợi thế về văn hóa và thiên nhiên, và điều đó sẽ hấp dẫn du khách Pháp vốn rất thích khám phá khu vực này", bà khẳng định.
  Ông Thái Thành Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến văn hóa và du lịch Việt Nam tại châu Âu cũng cho rằng Quảng Bình là một tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh và nét văn hóa đặc sắc, có thể thu hút nhiều khách du lịch, nhưng hiện nay hoạt động quảng bá hình ảnh các điểm đến, giới thiệu các sản phẩm du lịch tới du khách châu Âu và Pháp chưa được như mong muốn, do đó cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, phối hợp với các công ty lữ hành bên Pháp và châu Âu để đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới.
  Theo quan điểm của ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc sở Du lịch tỉnh, chính những nhận xét tích cực của du khách sẽ làm lan tỏa được sự hấp dẫn của du lịch Quảng Bình, do đó tỉnh xác định tập trung vào việc nâng cao chất lượng phục vụ để du khách có những trải nghiệm tốt nhất, chất lượng nhất với giá cả hợp lý nhất, từ đó đưa ra những hình ảnh và đánh giá tốt đẹp trên các trang mạng xã hội và chính những du khách này sẽ là những sứ giả giới thiệu du lịch Quảng Bình ra thế giới một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các cuộc hội thảo như thế này cũng rất quan trọng vì giúp du khách biết được Quảng Bình ở đâu, đang có sản phẩm du lịch nào và du khách sẽ được hưởng ưu đãi gì khi đến với Quảng Bình.
  Trong khuôn khổ hội nghị, một số Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư đã được ký kết giữa lãnh đạo Sở du lịch tỉnh Quảng Bình và đại diện Hiệp hội xúc tiến văn hóa và du lịch Việt Nam tại châu Âu, cùng các công ty Vivu Journey tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, Viettravel tại châu Âu, với sự chứng kiến của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cùng các lãnh đạo các ban ngành của tỉnh Quảng Bình.
  Nằm ở miền Trung Việt Nam, Quảng Bình có diện tích tự nhiên 8.000 km2, dân số hơn 910.000 người. Với vị trí chiến lược quan trọng trên các hành lang phát triển kinh tế trọng điểm của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Quảng Bình có hệ thống giao thông đồng bộ và đang được đầu tư ngày càng hiện đại cả về đường bộ, đường không, đường biển, đường sắt, trong đó Quốc lộ 12A nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây là tuyến đường ngắn nhất từ Việt Nam giao thương với Lào, Thái Lan và Myanmar.
  Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 Khu kinh tế và 10 Khu công nghiệp. Trong đó, có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo tiếp giáp với tỉnh Khammuane của nước CHDCND Lào là một trong những cửa khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Lào, với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, quá cảnh, phi mậu dịch năm 2023 đạt khoảng 2,3 tỷ USD. Khu kinh tế Hòn La là khu kinh tế ven biển, có Cảng biển Hòn La có thể đón tàu 3 - 5 vạn tấn và đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Bên cạnh đó, với độ che phủ rừng hơn 68%, lớn thứ hai Việt Nam và điều kiện đất đai, khí hậu đa dạng, Quảng Bình được đánh giá là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu trong lĩnh vực trồng rừng gỗ lớn, nông nghiệp công nghệ cao.
  Đặc biệt, Quảng Bình được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á (theo tạp chí New York Times 2014), sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch bền vững, trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á, sự lựa chọn hàng đầu của khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.
  Quảng Bình có hệ thống các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc: du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thể thao, du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp,... .Nổi bật là Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, được mệnh danh là vùng đất của hang động với hệ sinh thái đa dạng, hệ thống hang động kỳ vĩ, tráng lệ, được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu.
  Với quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, Quảng Bình đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, nhanh và bền vững, trong đó, tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt, đáng trải nghiệm cho khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng ưu tiên phát triển trên lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao và các ngành kinh tế xanh./.

Báo ảnh Việt Nam/ TTXVN


Top