Nghề làm gạch, ngói hoàng cung Huế

Nghề Việt

Nghề làm gạch, ngói hoàng cung Huế

Ông Đặng Uyển ở phường Thuận Hòa, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vốn xuất thân từ dân thương mại, chẳng liên quan gì đến cái nghề nặn gốm lấm lem bùn đất. Vậy mà tình yêu và cơ duyên đã dẫn dắt ông đến với nghề nghiên cứu, sản xuất các loại gạch ngói gốm sứ tráng men theo kĩ thuật hoàng cung thời nhà Nguyễn, góp phần tích cực vào việc cung cấp nguồn vật liệu quan trọng trong việc sửa chữa, trùng tu các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới.
Ông Đặng Uyển, người có công gìn giữ, phát triển nghề làm ngói cung đình Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Ông Đặng Uyển ở phường Thuận Hòa, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vốn xuất thân từ dân thương mại, chẳng liên quan gì đến cái nghề nặn gốm lấm lem bùn đất. Vậy mà tình yêu và cơ duyên đã dẫn dắt ông đến với nghề nghiên cứu, sản xuất các loại gạch ngói gốm sứ tráng men theo kĩ thuật hoàng cung thời nhà Nguyễn, góp phần tích cực vào việc cung cấp nguồn vật liệu quan trọng trong việc sửa chữa, trùng tu các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới.

Quần thể Di tích Cố đô Huế có gần 1.000 công trình kiến trúc độc đáo về thời nhà Nguyễn, trong đó có nhiều công trình đã xuống cấp cần phải được duy tu, sửa chữa để bảo tồn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Ai đã một lần đến Huế đều rất ấn tượng trước vẻ đẹp cổ kính, sang trọng và quy mô của những công trình kiến trúc cung điện, đền đài, lăng tẩm thời nhà Nguyễn ở Huế. Đặc biệt, màu vàng và màu xanh của những lớp ngói lung linh huyền diệu trên những công trình kiến trúc cổ ấy không chỉ tạo nên vẻ đẹp nguy nga của tòa nhà mà còn biểu thị những ý nghĩa văn hóa, triết lí và thẩm mĩ sâu xa thể hiện cho quyền lực tuyệt đối của nhà vua.

Theo các nhà nghiên cứu, lưu ly là tên một loại ngọc quý nên triều Nguyễn đã dùng tên đó để đặt tên cho hai loại ngói chính lợp cung điện là ngói hoàng lưu ly (ngói tráng men màu vàng) và thanh lưu ly (ngói tráng men màu xanh lục). Ngói lưu ly cũng có lối lợp như ngói âm dương truyền thống, tức một lớp ngửa một lớp sấp, thể hiện mối quan hệ âm dương, trời đất theo quan niệm văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó, thông qua loại ngói được lợp còn cho thấy vị trí, chức năng, tầm quan trọng của mỗi công trình. Cụ thể, ngói hoàng lưu ly được lợp ở những công trình chính nơi vua thường ngự bởi màu vàng là biểu tượng của Thiên tử, của ánh sáng. Ngược lại, ngói thanh lưu ly với màu xanh lục được lợp ở các mái phụ hoặc trên công trình dành cho quan lại, hoàng thân.

Để làm lên những viên ngói với ý nghĩa biểu tượng cao như vậy, người thợ ở những lò gốm cung đình xưa phải trải qua rất nhiều công đoạn, với những bí quyết riêng có mà đa phần đến thời đại hiện nay đã bị thất truyền, nhất là cách pha chế nước men tạo màu sắc đặc trưng của ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly.

Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế của ông Đặng Uyển góp phần gìn giữ và phát triển nghề làm ngói cung đình xưa. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Ngày nay, nghề sản xuất gạch ngói gốm sứ tráng men cung đình ở Huế chỉ còn rất ít người theo đuổi phần vì kĩ thuật khó, phần vì nhu cầu sử dụng không nhiều, chủ yếu chỉ phục vụ cho công tác trùng tu di tích. Trong bối cảnh đó, ông Đặng Uyển, một người tay ngang, vốn là dân thương mại nhưng vì yêu nghề gốm và đau đáu với công cuộc trùng tu bảo tồn kiến trúc cung đình Huế đã tự mày mò, dày công nghiên cứu sách vở, học hỏi kinh nghiệm từ các bậc nghệ nhân, những người đi trước để nghiên cứu thành công bí quyết pha chế men và kĩ thuật nung để sản xuất thành công nên hai loại ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly. Ngoài hai loại ngói chính ấy ông còn nghiên cứu sản xuất thêm nhiều loại gạch men trang trí cần thiết cho việc trùng tu các công trình kiến trúc triều Nguyễn.

Niềm đam mê và tâm huyết của ông Đặng Uyển và các cộng sự đã giúp Huế gìn giữ được nghề xưa. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Huế được mệnh danh là kinh đô di sản, nơi đây có Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Ngoài ra, địa phương còn có gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 89 di tích cấp quốc gia. Trải qua thời gian, nhiều công trình kiến trúc độc đáo hàng trăm năm tuổi dần bị xuống cấp, đòi hỏi cần có sự trùng tu kịp thời. Những năm gần đây, nhiều công trình kiến trúc quan trọng thuộc Quần thể Di tích Huế đã được trùng tu, tôn tạo, góp phần từng bước lấy lại diện mạo của kinh đô xưa. Các sản phẩm ngói tráng men hoàng lưu ly và thanh lưu ly ở Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế của ông Đặng Uyển đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lựa chọn sử dụng cho việc trùng tu, sửa chữa lớn nhiều di tích quan trọng như cửa Ngọ Môn, lăng Gia Long, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị, lăng Dục Đức, Trường Lang, Nhật Thành Lâu, cầu ngói Thanh Toàn, Bia Quốc học... Hiện tại, Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế đang cung cấp ngói để trùng tu di tích Đàn Nam Giao và sắp tới là Điện Thái Hòa, một công trình quan trọng bậc nhất trong khu vực Đại Nội.

Một số công đoạn sản xuất gạch, gói cung đình. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Trước đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có một lò ngói gốm thủ công, nhưng quá trình hoạt động rơi vào suy thoái phải đóng cửa. May mắn hiện nay tại thành phố Huế có Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế chuyên cung cấp các sản phẩm ngói gốm tráng men chất lượng cho các dự án trùng tu của đơn vị.

Các công đoạn sản xuất được tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Trung bình mỗi năm, Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế đưa ra thị trường từ 5-7 triệu viên ngói tráng men các loại. Ngoài cung cấp vật liệu trùng tu tại địa phương, số còn lại được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thời gian gần đây, nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp mang phong cách kiến trúc cung đình Huế ở khu vực ven biển miền Trung cũng đã tìm đến và đặt mua sản phẩm ngói cung đình của xưởng. Đây chính là hiệu quả và động lực để ông Đặng Uyển tiếp tục gìn giữ, phát huy hiệu quả vốn nghề xưa để vừa góp phần vào việc bảo tồn các di sản của cha ông để lại, vừa tạo nên một dòng sản phẩm vật liệu xây dựng độc đáo có thể sử dụng cho những công trình kiến trúc hiện đại ngày nay.

Việc sử dụng ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly trong việc duy tu, sửa chữa đúng cách đã trả lại vẻ đẹp lung linh, tráng lệ cho các công trình kiến trúc thời nhà Nguyễn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

 

Bài, ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Thực hiện: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Maypaperflower thương hiệu hoa giấy mang đậm chất Cố Đô

Maypaperflower thương hiệu hoa giấy mang đậm chất Cố Đô

Ra đời từ tình yêu với hoa giấy và mong muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống, Maypaperflower đã trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến và góp phần đưa những bông hoa giấy của Huế đến gần hơn với khách du lịch trong và ngoài nước.

Top