Tin tức

Khơi thông nguồn lực đầu tư để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Chiều 15/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
  Nghệ An tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn sản xuất và lắp ráp FDI để tạo tiền đề cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ảnh: TTXVN  

Cho ý kiến tại hội trường, các đại biểu đầu nhấn mạnh, Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì năm 2025, chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thì giai đoạn 2026 - 2030 mới có thể đạt tăng trưởng 2 con số, tạo nền tảng cho nước ta trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, năm 2025, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% thì cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân phải nỗ lực hơn 100%. Đại biểu nhấn mạnh, phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao công tác tổ chức thi hành pháp luật. Theo đánh giá của Chính phủ, thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển; một số cơ chế, chính sách chậm sửa đổi; phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập hạn chế. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị đưa ra giải pháp tháo gỡ để thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” nữa mà là “đột phá của đột phá”, kiến tạo không gian phát triển mới.

Muốn đạt được mục tiêu này, nhiều đại biểu nhấn mạnh vấn đề thúc đẩy đầu tư công, khơi thông nguồn lực đầu tư tư, có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là “bài toán”, “phép thử” để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo với mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Theo đại biểu, trong Đề án Chính phủ trình có những vấn đề về tổng thể, có những vấn đề về tức thì. Để đạt chỉ tiêu này trong năm 2025, phải quan tâm đến những nhiệm vụ có tính tức thì, những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, triển khai ngay...“Cần phân loại, giải pháp nào thực hiện được ngay thì cần ưu tiên thực hiện, còn giải pháp dài hơi thì triển khai theo quy trình thông thường”, đại biểu An nói.

Cũng theo đại biểu Trịnh Xuân An, muốn phát triển 8% hoặc cao hơn nữa thì cần có đầu tư và tiền. Đồng tình tăng đầu tư công, nhưng đại biểu An cho rằng cần có chỉ tiêu về đầu tư tư - khu vực vừa qua có xu hướng giảm. “Đầu tư tư vừa qua tăng trưởng 1 con số (7-9% và có xu hướng giảm), nên phải đặt chỉ tiêu đầu tư tư cũng phải tăng 2 con số trở lên. Mà đầu tư tư tăng thì rất liên quan đến tín dụng... Nếu tăng trưởng tín dụng bình bình 15-16% thì khó, phải tầm 18-19%, tất nhiên, có câu chuyện liên quan chính sách tiền tệ, lạm phát, nhưng nếu không có tín dụng thì khó phát triển” - đại biểu An nêu quan điểm.

Quan tâm đến vấn đề doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét có Nghị quyết về việc liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam với các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó cần dỡ bỏ các nút thắt của dự án, vi phạm, hoặc vướng luật trên tinh thần vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc. Tháng 1/2025 ghi nhận 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 1/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp, cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.

Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tháng 1/2025 tăng 3,07%, cao hơn bình quân chung năm 2023 (2,71%), cho thấy áp lực lạm phát là đáng kể. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Cần có cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân

Cần có cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân

Quốc hội đã đồng ý khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và Chính phủ vừa có Tờ trình Quốc hội xem xét cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư dự án đặc biệt quan trọng này, dự kiến vận hành (phát điện) năm 2030 để đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, dự kiến nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; còn nhà máy Ninh Thuận 2 ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội khẳng định việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận rất cần thiết trong bối cảnh từ thời điểm hiện nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Top