Công bằng và hợp lý là điều Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhắc đến trong buổi làm việc chiều 4/4 với các doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội và cơ quan liên quan để tham vấn giải pháp xử lý đối với chính sách áp thuế suất đối ứng của Chính phủ Hoa Kỳ. Ông lý giải “chúng tôi nghĩ rằng sự bình đẳng là trong tỷ lệ thuế suất, từng sắc thuế, chứ không phải bình đẳng về kim ngạch nhập khẩu. Bởi vì nền kinh tế của Việt Nam và nền kinh tế Hoa Kỳ hoàn toàn chênh lệch. Nền kinh tế của Hoa Kỳ là nền kinh tế phát triển, gấp đến 60 lần nền kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế có 500 tỷ USD, trong khi Hoa Kỳ là 30 nghìn tỷ USD. Rõ ràng không thể đảm bảo sự cân bằng, mà phải là tính công bằng và hợp lý”.
Hầu hết các ý kiến tại buổi làm việc này đều bày tỏ quan ngại việc áp thuế đồng loạt 46% với các hàng hóa xuất xứ Việt Nam không chỉ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn tạo ra gánh nặng cho chính người tiêu dùng và doanh nghiệp Hoa Kỳ… Những ngành hàng như nông, lâm, thủy sản, giầy dép Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ không chỉ là những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao, có lợi thế so sánh, mà còn bổ trợ cho nền kinh tế, có lợi cho người tiêu dùng nước này.
Dẫn con số kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta sang Hoa Kỳ năm 2024 là hơn 1,8 tỷ USD và với tốc độ tăng trưởng hiện nay thì Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đứng đầu về thị phần (chiếm hơn 1/5 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung), trong đó khoảng 1,1 tỷ USD là các mặt hàng từ nuôi trồng và hơn 700 triệu USD từ khai thác biển, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Việt Nam đang nhập đậu tương và sản phẩm khô đậu tương của Hoa Kỳ để làm thức ăn chăn nuôi. Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai chúng ta nhập những sản phẩm này để sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó phần đa là sử dụng cho các ngành nuôi trồng thủy sản.
Năm 2024, có đến 40% lượng đậu tương nhập khẩu về là từ Hoa Kỳ, còn khô đậu tương là gần 16%. Sản lượng ở cả hai mặt hàng này đều gần 1 triệu tấn. Nội dung này Chính phủ cần đưa vào chương trình đàm phán chính sách thuế với phía Hoa Kỳ.
Theo ông Nam, thị trường Hoa Kỳ hiện nay là thị trường dẫn dắt, bởi vậy, những tác động từ chính sách thuế quan này sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu và có kế hoạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, với những đơn hàng lớn, giá trị cao. Khảo sát nhanh, “hiện có khoảng 40.000 tấn thủy sản của VASEP đang lênh đênh trên biển sang Hoa Kỳ trong một vài ngày tới”.
Sự không rõ ràng trong chính sách thuế hiện tại của Hoa Kỳ dẫn đến khả năng, nếu Hải quan nước này tính thuế dựa trên ngày hàng cập cảng (sau 9/4/2025), các lô hàng đang vận chuyển sẽ chịu mức thuế 46%, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đã ký hợp đồng theo phương thức DDP (giao hàng tận kho, doanh nghiệp Việt Nam trả toàn bộ chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế... trước khi giao hàng và chờ thanh toán từ đối tác Hoa Kỳ) với giá dựa trên mức thuế hiện tại, thường 0% hoặc 5,5-7% do thuế chống bán phá giá.
* Giãn thời gian áp thuế trong 3 tháng để chờ đàm phán
Đại diện VASEP kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm đàm phán với Hoa Kỳ xác định thống nhất mốc thời gian áp thuế nhập khẩu mới là ngày xuất khẩu được xác định trên vận đơn, đồng thời đàm phán để điều chỉnh giảm thuế xuống mức phù hợp nhất, tách riêng mức thuế áp dụng cho từng mặt hàng theo danh mục hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ với mức thuế tương ứng. Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét chủ động giảm thuế nhập khẩu về 0% cho nguyên liệu thủy sản của Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Tổng thư ký VASEP cũng đề xuất về việc đàm phán với Chính phủ Hoa Kỳ giãn thời gian áp thuế trong 3 tháng.
Đồng tình với kiến nghị của VASEP đề nghị đàm phán với phía Hoa Kỳ lui lại ngày thực thi áp mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày hoặc ít nhất 60 ngày như Nghị viện Hoa Kỳ đang đề xuất, bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ làm rõ danh mục hàng hóa chịu thuế 46%, đàm phán nhằm giảm mức thuế hoặc miễn trừ cho một số sản phẩm điện tử chủ lực. Cùng với đó, Hiệp hội đề xuất các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để tránh bị nghi ngờ lẩn tránh thuế, hoặc sử dụng nguyên liệu từ nước thứ ba, phối hợp với Bộ Công Thương cung cấp thông tin minh bạch cho phía Hoa Kỳ.
“Điều này đặc biệt quan trọng khi phía Hoa Kỳ từng điều tra các ngành hàng như thép và nhôm của Việt Nam trong quá khứ”, bà Hương nói.
Ngoài ra, bà đề nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tăng cường đầu tư công nghệ, đặc biệt là cho phép hỗ trợ nhập khẩu các công nghệ cao từ Hoa Kỳ với mức thuế suất 0%; cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng công, nông nghiệp chủ lực của cả nước để cùng có tiếng nói chung và tăng sức mạnh trong vận động chính sách giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.
Nêu quan điểm cách làm của Việt Nam hiện nay là hài hòa khi lựa chọn ứng phó mềm dẻo, tránh đối đầu, đây cũng là biện pháp mà Chính phủ các nước ASEAN áp dụng, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) lạc quan cho rằng, Việt Nam đặc biệt có lợi thế trong việc xử lý các vấn đề Hoa Kỳ nêu ra, vì công cuộc cải cách tinh gọn hiện nay có tác dụng rất mạnh trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế, và sẽ gỡ điểm nghẽn với các sản phẩm chủ lực của Hoa Kỳ vào Việt Nam như nông sản, dược phẩm, thiết bị y tế, vaccine, LNG, thiết bị máy móc giá trị cao như tua-bin khí, động cơ máy bay…
“Thực tế Việt Nam không phải nhân nhượng nhiều trong việc cắt giảm các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa Hoa Kỳ. Những rào cản phi thuế quan này giúp cho chính nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ chắc chắn nắm được điều này. Chúng tôi đã thông báo rất rõ vấn đề này cho Đại sứ quán”, theo ông Thành.
“Trong tuyên bố tại Nhà Trắng hôm 2/4, ông Trump 2 lần nhắc đến Việt Nam. Đến lần thứ 2 ông bảo, Việt Nam họ thích tôi, tôi thích họ, họ là những người đàm phán rất giỏi, nhưng họ đánh thuế chúng ta đến 90% thì chúng ta sẽ đánh thuế họ 46%”, kể câu chuyện này, ông Vũ Tú Thành phân tích “nghiên cứu kỹ đây không phải công thức để tính thuế, bản chất là công thức rất cơ bản để đưa thâm hụt thương mại về 0”, vì vậy, điều Hoa Kỳ quan tâm là Việt Nam làm gì để nhập được hàng của họ. Ông khuyến nghị trong đàm phán cần tập trung thảo luận những vấn đề, lĩnh vực có thể cho ra được kết quả ngay, lý tưởng là trước 9/4.
Nhận định, Việt Nam nên mua thêm hàng hóa từ Hoa Kỳ và cần có những cam kết mạnh mẽ hơn, theo bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội khuyến nghị, cần cho Hoa Kỳ thấy được những nỗ lực trong việc chống trung chuyển hàng hóa, giải quyết triệt để những cáo buộc, tin đồn không có lợi cho Việt Nam.
“Quan hệ hai nước đã đi qua chặng đường rất dài, với nhiều thành tựu, mối quan hệ khăng khít từ cấp chính trị, nhân dân, hợp tác giáo dục… Mối quan hệ của chúng ta đang bị tổn thương bởi những rào cản này, do đó chúng tôi rất muốn làm việc với Chính phủ Việt Nam để nghĩ ra những biện pháp giảm những rào cản, thách thức, để hai nền kinh tế cùng phát triển mạnh mẽ”, bà Virginia Foote nói.
Rất nhiều khuyến nghị đã được cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia kinh tế, các hiệp hội đưa ra cho Chính phủ Việt Nam những ngày qua, nhằm tăng cường đối thoại, thúc đẩy đàm phán song phương với Hoa Kỳ, hướng đến thỏa thuận mức áp thuế đối ứng hợp lý, phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên./.
Báo ảnh Việt Nam/TTXVN