Tiêu điểm

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Indonesia

Việc Việt Nam và Indonesia chính thức thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (từ ngày 27 đến 28/6/2013) được xem là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử 58 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, nhất là kể từ khi triển khai “Tuyên bố về Khuôn khổ Hợp tác Hữu nghị và Toàn diện bước vào Thế kỷ 21” (2003). Kể từ đây, hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao. Nhiều cơ chế hợp tác song phương được hình thành và hoạt động hiệu quả. Hai nước đã ký kết hơn 30 hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực quan trọng như chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, nông nghiệp… tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Trên cơ sở đó, tại cuộc hội đàm diễn ra ngay sau Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia ở Phủ Tổng thống, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Indonesia thành Đối tác Chiến lược nhằm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác và phát triển phồn vinh của khu vực và thế giới. Như vậy, tiếp ngay sau Thái Lan, Indonesia là quốc gia ASEAN thứ hai trở thành Đối tác Chiến lược của Việt Nam.
 

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa đón
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân tại sân bay Halim ở Thủ đô Jakarta. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống với các nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nồng nhiệt chào đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Tại cuộc hội đàm này Lãnh đạo hai nước đã chính thức tuyên bố
nâng cấp quan hệ Việt Nam - Indonesia thành Đối tác Chiến lược. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono
chứng kiến Lễ ký Hiệp định cấp Nhà nước về dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Indonesia. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến Chủ tịch Hạ viện Indonesia Marzuki Alie. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Chủ tịch nước đến dự buổi Tọa đàm doanh nghiệp Indonesia - Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

Với tuyên bố này, hai bên cam kết sẽ nỗ lực hết mình tăng cường hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực quan trọng như: chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh... Về kinh tế - thương mại - đầu tư, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều, phấn đấu vượt 5 tỷ USD trước năm 2015 và đạt 10 tỷ USD vào năm 2018. Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai bên nhất trí xúc tiến đàm phán, sớm ký kết Quy chế về tuần tra phối hợp giữa Hải quân hai nước tại vùng biển tiếp giáp và nhanh chóng triển khai trên thực địa, góp phần duy trì ổn định và an ninh trên biển; đồng thời nghiên cứu thành lập các cơ chế Đối thoại Chính sách về an ninh và quốc phòng phù hợp. Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, chống khủng bố, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống... Về Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Hai bên cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông và hoan nghênh Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về kỷ niệm 10 năm DOC cũng như các bước triển khai cụ thể tiếp theo của các tuyên bố này.
 

Chủ tịch nước đến thăm Ban Thư ký ASEAN và gặp gỡ các Đại sứ,
Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực các nước ASEAN tại Thủ đô Jakarta. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng
nêu bật thông điệp chính sách lớn của Việt Nam đối với ASEAN. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

Đặc biệt, nhân dịp này, Chủ tịch nước đã đến thăm Trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Thủ đô Jakarta. Tại đây, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng nêu bật thông điệp chính sách lớn của Việt Nam đối với ASEAN trong bối cảnh tình hình khu vực chuyển biến nhanh chóng và ASEAN đang nỗ lực triển khai xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng như định hướng cho tương lai phát triển giai đoạn sau 2015.

Bài phát biểu của Chủ tịch nước nhấn mạnh cách tiếp cận và tư duy đặc thù của ASEAN, hay có thể xem như “bản sắc ASEAN”, thể hiện qua phương thức hoạt động dựa trên đoàn kết, đồng thuận, tham vấn, tiệm tiến, tôn trọng và gắn kết được lợi ích quốc gia và lợi ích chung, phù hợp với một khu vực vốn tồn tại nhiều yếu tố đa dạng như Đông Nam Á. Đối với các vấn đề lớn như Biển Đông, Chủ tịch nước đề nghị cần xử lý theo đúng tinh thần Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN, tôn trọng luật pháp quốc tế và công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, tiếp tục đẩy mạnh tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc, thực hiện nghiêm chỉnh DOC và sớm hình thành COC.

Sự kiện Chủ tịch nước tới thăm và có bài phát biểu quan trọng tại Ban Thư ký ASEAN đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của chính giới và dư luận trong và ngoài ASEAN, xem đây là minh chứng về những cam kết và đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển lớn mạnh của ASEAN.
 
Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ ở cấp Tổng lãnh sự quán vào tháng 12/1955 và nâng lên hàng Đại sứ 15/8/1964. Đối với Indonesia, Việt Nam thuộc nhóm 14 nước “đối tác toàn diện” và “đối tác chiến lược” mà Indonesia ưu tiên phát triển quan hệ. Tính đến tháng 4/2013, Indonesia đứng thứ 27/101 quốc gia với 35 dự án trị giá hơn 282 triệu USD đầu tư tại Việt Nam, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc…
Bài: VNP - Ảnh: TTXVN 

75 năm quan hệ Việt Nam - Triều Tiên: Củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống

75 năm quan hệ Việt Nam - Triều Tiên: Củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống

Ngày 31/1/1950, CHDCND Triều Tiên và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là nước thứ ba, sau Trung Quốc và Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. 75 năm qua, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam – Triều Tiên luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước coi trọng và tiếp tục củng cố, phát triển hơn nữa, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Top