Khám phá

Cổ vật và dấu ấn giao thương Việt - Nhật

Triển lãm cổ vật Nhật Bản vừa được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh như một minh chứng của việc giao thương Việt Nam – Nhật Bản xuyên suốt qua bốn thế kỷ.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng 239 cổ vật qua nhiều thời kỳ, thể hiện sự phong phú, đa dạng về chất liệu và loại hình cũng như kỹ thuật chế tác, mang đậm bản sắc văn hóa Nhật Bản. Các hiện vật tiêu biểu được trưng bày trong Triển lãm lần này bao gồm: các tsuba (miếng chắn tay - bộ phận quan trọng trên thanh kiếm Nhật), hoặc các netsuke (vật trang sức nhỏ tạc hình mặt người, thần, thú...). Bên cạnh đó là các tượng Phật, các khám thờ Nhật Bản thiết kế kiểu hình hộp có hai cánh cửa, bên trong bố trí hệ thống tượng gỗ, giúp công chúng hiểu được phần nào tín ngưỡng thờ cúng cũng như nghệ thuật điêu khắc của đất nước hoa anh đào.

Triển lãm là dịp thể hiện tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Nhật - Việt. Đồng thời, qua Triển lãm này, công chúng cũng hiểu thêm về mối giao thương lâu đời, có từ nhiều thế kỷ trước giữa hai nước. 
 

Triển lãm cổ vật Nhật Bản giới thiệu nhiều hiện vật
phản ánh mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản từ thế kỷ 16-18.


Bình gốm men thế kỷ 17.


Đồ thờ cúng, tượng Phật và khám thờ.


Tượng Phật Quan Âm bằng gỗ thếp vàng thế kỷ 17.


Đĩa gốm men xanh trắng thế kỷ 17.


Bình gốm sứ nhiều màu thế kỷ 17.


Lư đồng thế kỷ 17.


Bát gốm men nhiều màu thế kỷ 17.


Tủ đựng thế kỷ 17.


Gốm sứ nhiều màu thế kỷ 17.


Gốm men thế kỷ 17.


Đĩa gốm màu xanh trắng thế kỷ 19.


Triển lãm đem đến cho người xem và du khách những khám phá thú vị
về mối quan hệ bang giao lâu đời giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
 

Phần trưng bày đồ gốm gia dụng giúp công chúng biết về kỹ thuật chế tác gốm của người Nhật thông qua các hiện vật tiêu biểu như chậu gốm có nhiều hình họa, sản phẩm bát tráng men gốm nhiều màu in hình các nhân vật độc đáo... Điều đặc biệt là nhiều hiện vật gốm Nhật Bản trưng bày tại Triển lãm lần này, có niên đại từ khoảng cuối thế kỷ 16 đến 18, được sưu tầm ở Việt Nam. Điều đó cho thấy giữa hai nước đã có mối quan hệ giao lưu văn hóa, thương mại từ khá sớm và phát triển mạnh mẽ cả ở Đàng Ngoài và Đàng Trong qua đội thương thuyền Châu Ấn Thuyền của Nhật Bản. Lịch sử còn ghi lại, vào thời kỳ này chính quyền hai nước đã trao đổi những văn bản ngoại giao cấp quốc gia và có những chính sách khuyến khích mở rộng giao thương. Chúa Nguyễn cho phép các thương gia Nhật Bản lập phố Nhật ở Hội An (Quảng Nam) để buôn bán. Ngày nay, ở phố cổ Hội An vẫn còn rất nhiều di tích, di vật minh chứng cho sự giao lưu này, trong đó tiêu biểu là di tích chùa Cầu Hội An. Sau này, đến năm 1973, Nhật Bản và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, làm cho mối quan hệ truyền thống lâu đời này ngày càng tốt đẹp hơn.

Tham quan Triển lãm cổ vật Nhật Bản, anh Van Den Berg, du khách Hà Lan chia sẻ: “Các bạn đã lưu giữ được rất nhiều cổ vật quý giá thể hiện về mối giao thương hữu nghị từ lâu đời của hai nước. Tôi nhận thấy Nhật Bản và Việt Nam đều có truyền thống tốt đẹp rất đáng để ngưỡng mộ cả về lịch sử, văn hóa và ngoại giao…”.

Triển lãm cổ vật Nhật Bản là một trong nhiều hoạt động kỷ niệm 35 năm thành lập Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh (23/8/1979 - 23/8/2014), được mở cửa cho công chúng và du khách tham quan từ nay đến hết tháng 2/2015./.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nằm khu vực Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình trưng bày hơn 150.000 hiện vật, chứng tích lịch sử vô giá về những cuộc chiến tranh ở Việt Nam (đặc biệt là 2 cuộc chiến chống thực dân và đế quốc) nhằm giúp du khách tham quan tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đầy tự hào của quân và dân ta.

Top