Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, tham gia Dự án Hợp tác Việt Nam - Cuba Phát triển Sản xuất Lúa gạo vào năm cuối cùng của pha 5, ThS. Thắm được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, gồm tư vấn và hướng dẫn cán bộ nghiên cứu, cán bộ khuyến nông Cuba tổ chức các hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, sản xuất và phục tráng giống, tổ chức thí nghiệm hoàn thiện quy trình canh tác lúa, biên soạn tài liệu và trực tiếp giảng dạy, xây dựng các mô hình thâm canh lúa. Chị tâm sự: “Bản thân đã xác định rõ mình cần phải làm gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ với tâm thế sục sôi ý chí quyết tâm”.
Chia sẻ về lý do đến Cuba, ThS. Thắm cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đặt chân đến Cuba, dù đất nước này đã in sâu trong tâm trí từ nhỏ qua những câu văn, vần thơ. Khi biết người anh em nơi xa xôi ấy đang gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là thiếu lương thực trầm trọng, với 15 năm công tác tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ, tôi mong muốn được góp sức mình giúp bạn thay đổi tập quán canh tác”.
Tháng 11/2024, đoàn gồm 15 chuyên gia Việt Nam đặt chân đến La Habana sau 30 giờ bay. Chị nhớ lại: “Ra khỏi máy bay, khung cảnh sân bay hiện ra tối mờ mịt do mất điện, thủ tục nhập cảnh thực hiện dưới ánh đèn pin, đèn tích điện không mấy sáng, ngay lập tức tôi nhận thức được rằng bạn đang rất khó khăn”.
Tuy nhiên, những khó khăn vật chất không lấn át được tình người. Đoàn chuyên gia 15 người đã được Ban quản lý Dự án phía Cuba đón tiếp bằng những cái ôm hôn nồng ấm, nụ cười trìu mến. Mới gặp mà như thân quen tự thuở nào. Trong lúc bản thân còn đầy bỡ ngỡ, những hành động thân thiện ấy là hành trang, là động lực để chị có thêm sức mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Khi được phân công về điểm vùng Sancti Spiritus phụ trách 3 tỉnh miền Trung Cuba, ThS. Thắm mới thực sự thấm thía những khó khăn của ngành nông nghiệp tại đảo quốc Caribe này. Chị nhớ lại: “Những cánh đồng rộng lớn, bằng phẳng bị bỏ hoang do thiếu xăng dầu, thiếu vật tư, thiếu điện để bơm nước. Những cánh rừng Marabu xâm thực đất đai, gai đâm chảy máu chân người. Tình trạng mất điện luân phiên kéo dài 15-20 giờ/ngày. Những ruộng lúa được gieo dày đặc, trổ bông lác đác xen lẫn cỏ dại um tùm. Những ruộng lúa chín khô chưa được thu hoạch do thiếu xăng dầu để chạy máy…”.
Khí hậu Cuba khá dễ chịu, trong lành, nắng vàng rực rỡ nhưng không quá gay gắt. Mùa Đông tại Cuba không mấy lạnh. Tuy nhiên là một quốc đảo nên trong những cơn gió thổi qua, chị Thắm cảm nhận được vị mặn của muối và làn da khô ráp do gió biển. “Đất đai ở đây khá màu mỡ, thuận lợi cho các cây trồng nông nghiệp sinh trưởng và phát triển, nhưng nếu gặp trận mưa thì bết dính vào giày dép, bánh xe không thể di chuyển, chúng tôi thường vẫn đùa nhau rằng ‘đất mến người'”.
Anh Nguyễn Chí Vượng, Trưởng nhóm chuyên gia Việt Nam tại điểm vùng Sancti Spíritus, cho biết tập quán canh tác lạc hậu là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả sản xuất lúa tại Cuba còn thấp. Theo anh, người dân địa phương thường gieo trực tiếp hạt giống lúa khô xuống ruộng ngập nước, khiến tỷ lệ nảy mầm kém và phải sử dụng lượng giống rất lớn - lên tới 171 kg/ha, gây lãng phí đáng kể. Ngoài ra, đất trồng lúa ở Cuba chủ yếu là đất thịt nhẹ, không có tầng đế cày, thoát nước tốt, nên dinh dưỡng dễ bị rửa trôi. Hệ thống ruộng đồng được quy hoạch thành các thửa lớn, có nơi lên đến hàng trăm ha, nhưng nước tưới lại chảy tràn từ ruộng này sang ruộng khác, dẫn tới xói mòn và thất thoát phân bón. Bên cạnh đó, do bờ ruộng không được cố định, nông dân phải mất nhiều công sức để đắp lại sau mỗi vụ mùa.
Trước thực tế đó, các chuyên gia Việt Nam đã kiên trì áp dụng nhiều biện pháp cải tiến. ThS. Thắm chia sẻ: “Chúng tôi tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân Cuba thay đổi thói quen, thực hiện ngâm ủ hạt giống, thúc mầm, gieo hạt đã nảy mầm trên ruộng đủ ẩm với lượng giống giảm còn 100-120 kg/ha”. Các chuyên gia trực tiếp hướng dẫn từ khâu lọc bỏ lép lửng đến kiểm tra tỷ lệ nảy mầm, đánh giá chất lượng hạt giống. Anh Vượng bổ sung: “Chúng tôi hướng dẫn chia nhỏ thửa ruộng, đắp bờ cố định theo độ cao thấp để giữ nước. Về khâu làm đất, thiết kế bổ sung thanh gạt để san phẳng mặt ruộng trước khi gieo cấy”.
Tuy nhiên, công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. ThS. Thắm nhớ lại một kỉ niệm khó quên: “Có lần hạt giống đã nứt nanh, đủ tiêu chuẩn để gieo thẳng bằng máy bay, nhưng thiếu xăng dầu nên máy bay không thể bay. Chúng tôi phải huy động công nhân, nông dân gieo vãi bằng tay, tốn rất nhiều công sức”. Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc về sự linh hoạt trong điều kiện thực tế tại Cuba.
Thành quả đến sau 5 tháng miệt mài. ThS. Thắm xúc động kể lại: “Những mô hình lúa được canh tác theo kỹ thuật tiên tiến của Việt Nam dần hình thành, sinh trưởng và phát triển tốt. Nụ cười hé nở khi từng ngày được chứng kiến những thửa lúa xanh tốt tươi. Và niềm vui vỡ òa khi thu hoạch với năng suất cao vượt trội”.
Dù khác biệt ngôn ngữ, tình cảm giữa các chuyên gia Việt Nam và đồng nghiệp Cuba ngày càng gắn bó. Anh Vượng tâm sự: “Khác biệt ngôn ngữ không phải rào cản, chúng tôi có phiên dịch, hơn nữa có thể dùng những động tác diễn tả, những tiếng nói lóng, những nụ cười để hiểu nhau mà anh em vẫn đùa là 'ngôn ngữ hình thể'".
ThS. Thắm cảm nhận: “Con người Cuba rất thân thiện, hòa đồng, gần gũi. Đặc biệt khi biết chúng tôi là người Việt Nam, tình cảm ấy càng được nhân lên. Mới gặp mà như thân quen từ thuở nào. Những ngày ở Cuba, tôi cảm nhận sâu sắc tình cảm chân thành của người dân nơi đây. Họ dành cho chúng tôi sự tin tưởng và quý mến đặc biệt”.
Bài viết này có thể kết thúc bằng con số ấn tượng về năng suất lúa, nhưng có lẽ, hình ảnh đọng lại là những cái bắt tay siết chặt giữa nông dân Cuba và chuyên gia Việt Nam giữa cánh đồng vàng rực. Như lời anh Phạm Văn Thuận, trưởng đoàn chuyên gia lúa gạo Việt Nam: “Chúng tôi mang sang Cuba không chỉ hạt giống, mà cả trái tim. Thành công lớn nhất là thấy họ tự tin áp dụng kỹ thuật mới, để một ngày không xa, Cuba sẽ tự chủ được lương thực”.
Hành trình của các chuyên gia Việt Nam tại Cuba không chỉ mang lại những cánh đồng lúa trĩu hạt, mà còn góp phần viết tiếp câu chuyện hữu nghị giữa hai dân tộc, đồng thời khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam trong việc hỗ trợ các nước bạn phát triển sản xuất lương thực./.
Báo ảnh Việt Nam/TTXVN