Chiều ngày 15/6, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo trực tuyến “Châu Á: Châu lục Năng lượng Tái tạo”. Sự kiện do báo Vietnam News (TTXVN) phối hợp với tờ The Statesman của Ấn Độ và tờ Korea Herald của Hàn Quốc tổ chức. Cả ba tờ báo đều là thành viên của Mạng lưới Thông tin châu Á (ANN), một liên minh gồm 21 hãng truyền thông tại 19 quốc gia châu Á.
Với sự tham gia của các diễn giả khắp châu Á, nhiều câu hỏi, các vấn đề về phát triển năng lượng tái tạo đã được đề cập và thảo thuận đã mang tới một cái nhìn sâu rộng hơn về xu hướng chuyển đổi hiện nay về năng lượng tái tạo ở châu Á, vai trò của công nghệ tiên tiến, sự cấp thiết của việc thay đổi chính sách, các nguồn tài chính tiềm năng và các vấn đề trong việc chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Toàn cảnh điểm cầu tại Việt Nam của Hội thảo trực tuyến "Châu Á: Châu lục Năng lượng Tái tạo". Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường trình bày thông điệp của Bộ TN&MT tại hội thảo. Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
Tại hội thảo, các diễn giả tại các điểm cầu khắp châu Á tham gia thoả luận nhiều vấn đề về phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Tăng Thế Cường Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu trình bày thông điệp gồm 7 quan điểm nhằm phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo ở châu Á .
Thứ nhất, năng lượng tái tạo cần phải trở thành hàng hóa công cộng, phục vụ tất cả mọi người dân và mọi người dân đều có thể tiếp cận được và hưởng lợi từ phát triển năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là những nhóm hoặc cộng đồng chịu ảnh hưởng do quá trình chuyển đổi năng lương cần phải được hỗ trợ về sinh kế, đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp.
Thứ hai, cần thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong việc gỡ bỏ các rào cản, bao gồm các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ, nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển.
Thứ ba, chính sách có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Do đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp ở từng quốc gia để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là từ khâu lập quy hoạch, đến cấp phép, quản lý và vận hành dự án phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ tư, đặt ra các mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo, đạt phát thải ròng bằng “0” và giảm ô nhiễm không khí trở thành tiêu chí để đưa ra quyết định đầu tư, phát triển các dự án năng lượng. Đặc biệt, cần có sự cam kết và tham gia trách nhiệm của hệ thống tài chính, bao gồm các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính, tín dụng thông qua việc điều chỉnh danh mục cho vay đầu tư theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Thứ năm, tăng cường đầu tư vào hệ thống truyền tải điện để tối đa hóa lợi ích của việc sản xuất năng lượng gió và mặt trời; đầu tư phát triển hạ tầng cần thiết nhằm đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ sạch như phương tiện giao thông chạy điện như ô tô điện, xe máy điện.
Thứ sáu, bên cạnh nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo, cần triển khai đồng bộ các giải pháp khác như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên có sức chống chịu trước biến đổi khí hậu để tăng cường khả năng thích ứng, lưu trữ các-bon; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả tối đa tài nguyên trong khi vẫn có thể bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau, triển khai các giải pháp công nghệ lưu trữ, chôn lấp các-bon để góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’...
Cuối cùng, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tương xứng với tiềm năng của châu lục, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng các cơ quan thông tấn, báo chí trong khu vực. Chính các cơ quan thống tấn, báo chí, truyền thông sẽ góp phần lan tỏa thông điệp về tính cấp bách của việc chuyển đổi năng lượng, cũng như giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội do phát triển năng lượng tái tạo mang lại./.