Tin tức

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch COVID-19


Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì làm việc với các địa phương và 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chiều 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Quốc gia với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc họp được kết nối tới hơn 9.000 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã; tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Dự cuộc họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo Quốc gia); các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia và các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 dự tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự họp tại hơn 9.000 điểm cầu ở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc là các Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ cấp xã tới cấp tỉnh và các ngành, đơn vị liên quan.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, theo chỉ đạo của Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, ngày 25/8/2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được kiện toàn, nhằm huy động sự tham gia của đầy đủ, đồng bộ cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Thay mặt Ban Chỉ đạo Quốc gia mới kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà Ban Chỉ đạo Quốc gia trước đây đã đạt được.

Theo Thủ tướng, hội nghị lần này được kết nối tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 705 quận, huyện, thị xã, thành phố và 9.043 xã, phường, thị trấn trong cả nước. Thông qua hệ thống trực tuyến này nhằm thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch từ Trung ương tới tận xã, phường, thị trấn; đồng thời để Trung ương gần với cơ sở hơn, thấu hiểu, chia sẻ được nhiều hơn với cơ sở. Tuy nhiên, trên cơ sở chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, công việc thuộc cấp nào, cơ quan nào, cấp đó, cơ quan đó phải thực hiện, trên nguyên tắc cấp trên chỉ đạo cấp dưới, cấp dưới phải báo cáo cấp trên, ngang cấp sẽ phối hợp, chia sẻ cùng nhau.

Cuộc họp này lấy trọng tâm bàn việc phòng, chống dịch tại xã phường, thị trấn, thực hiện chủ trương “lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ” trong phòng, chống dịch. Xã, phường có đầy đủ hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị xã hội; là cấp hành chính gần dân nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất và trực tiếp với dân. Người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch bởi người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng chống dịch, với quan điểm “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”. Hội nghị này sẽ đề cập sâu đến việc khi thực hiện giãn cách xã hội, xã, phường, thị trấn phải làm gì, người dân phải làm gì?.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021 đến ngày 4/9/2021, cả nước đã ghi nhận hơn 508.000 ca mắc, trong đó 279.699 người đã khỏi bệnh, 12.758 ca tử vong. 10/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 6 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc.

Giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22/8 - 04/9/2021 tại 23 địa phương đã ghi nhận 160.592 ca mắc. Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. So với 01 tuần trước, 07/23 địa phương có số mắc mới trong tuần tăng; 16 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước, trong đó, 8 tỉnh có tỷ lệ nhiễm tại cộng đồng giảm liên tục trong 14 ngày qua.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp đặt câu hỏi, chất vấn, kiểm tra tình hình, công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, trong đó khi thực hiện chủ trương “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ”, xã, phường phải làm những việc gì, người dân phải làm những việc gì... Đồng thời, Thủ tướng nhắc nhở, chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp, công việc mà các xã, phường, thị trấn phải thực hiện ngay nhằm phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã phát biểu sôi nổi đánh giá về việc thực hiện phòng, chống dịch theo nội dung tại Công điện số 1099 và Công điện số 1102 của Thủ tướng Chính phủ; việc chuyển trọng tâm “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch”; kết quả, hạn chế trong phòng, chống dịch, nguyên nhân của những hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan; các biện pháp, bài học đã tích lũy được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua; kiểm điểm công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong phòng, chống dịch; những đề xuất, kiến nghị để công tác phòng, chống dịch...

Các đại biểu đều khẳng định, chủ trương phòng, chống dịch theo quan điểm “xã, phường là pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ” như hiện nay là đúng hướng, các biện pháp đang thực hiện được triển khai đồng bộ; cả hệ thống chính trị và toàn dân ủng hộ, hưởng ứng; các bộ, ngành, lực lượng, địa phương phối hợp ngày một nhịp nhàng, hiệu quả... Do đó, cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, cần áp dụng linh hoạt, sáng tạo, căn cứ tình hình thực tế từng địa bàn, từng thời điểm... để phòng, chống dịch hiệu quả hơn; quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Sau khi nghe các ý kiến, nắm bắt tình hình phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố, các quận, huyện và xã, phường, thị trấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu kết luận và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Thủ tướng ghi nhận, thấu hiểu và biểu dương sự cố gắng, đoàn kết, thống nhất của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; cán bộ, nhân dân các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, nhất là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an, tình nguyện viên…đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vượt qua khó khăn, vất vả để phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng cho rằng, qua đây cho thấy truyền thống đoàn kết, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều của dân tộc được khơi dậy, phát huy, nhân lên, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phòng, chống dịch bệnh.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, những kết quả trong phòng chống dịch cho thấy chủ trương “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng chống dịch; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân” đang là chủ trương đúng. Tuy nhiên, hiệu quả phòng, chống dịch vẫn chưa đạt kết quả cao như mong muốn. Do cách tổ chức thực hiện chưa tốt, vẫn còn một số hạn chế như: Có địa phương chưa nắm vững quan điểm chỉ đạo và cách làm trong việc lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sỹ. Việc nắm bắt tình hình, chuẩn bị an sinh xã hội, y tế, truyền thông tại cơ sở cục bộ ở một số địa phương chưa thực hiện tốt. Có địa phương ban hành các quy định trong phòng, chống dịch còn bất cập, nhất là quy định về lưu thông, vận chuyển hàng hóa, do chưa đánh giá hết tác động và chưa làm tốt công tác truyền thông. Có xã, phường, thị trấn có lúc chưa thực hiện nghiêm các quy định, khi thực hiện giãn cách xã hội còn tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Một số địa phương đưa ra được mục tiêu, lộ trình cụ thể, rõ ràng. Một số người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để tham gia phòng, chống dịch nghiêm túc. Công tác chỉ đạo, chỉ huy có nơi còn chậm, thiếu quy chế. An ninh, trật tự, nhất là tại các khu công nghiệp, tập trung đông lao động còn tiềm ẩn bất ổn. An ninh mạng thông tin có nhiều phức tạp. Tình trạng gian lận thương mại, nhất là lợi dụng vận chuyển hàng hóa, thậm chí buôn bán thuốc giả xuất hiện...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đời sống nhân dân sẽ khó khăn; doanh nghiệp đình trệ sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy… Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo chống dịch như chống giặc; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sỹ; người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu những nơi chưa làm cần kiện toàn ngay các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp do Bí thư cấp ủy đứng đầu; thiết lập Trung tâm Chỉ huy do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đứng đầu; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ và tổ chức ứng trực 24/24. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải xác định rõ mục tiêu, lộ trình, biện pháp thực hiện có hiệu quả phòng, chống dịch, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội.

Theo đó, các địa phương phải thực hiện triệt để 5 nhiệm vụ chủ yếu: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; Bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời; Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; Tuyên truyền, vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ các địa phương phối hợp với các ngành, nhất là ngành Y tế thực hiện thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn. Tiếp tục mở rộng, nâng cao năng lực điều trị, đảm bảo đủ máy thở, ô xy y tế và thuốc điều trị, nhất là ở tầng 2 để giảm số bệnh nhân chuyển nguy kịch, tử vong. Thiết lập và vận hành hiệu quả các Trạm Y tế lưu động. Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ; tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm lưu động, tiêm tại nhà; ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có mật độ dân cư cao, chú ý về vaccine cho trẻ em. Tổ quản lý, chăm sóc tại nhà ở một số địa phương thực hiện điều trị F0 tại nhà.

Về vấn đề vaccine, Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định chiến lược vaccine là hết sức quan trọng. Do đó, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng và các cấp, ngành, đơn vị hết sức nỗ lực, trong đó có thực hiện chiến dịch ngoại giao vaccine. Riêng Thủ tướng đã tiếp xúc, điện đàm, gửi thư tới hàng chục lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất tiêm phòng cho nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh trong công nhân, an ninh thông tin, an ninh mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh các loại tội phạm lợi dụng hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp; bảo đảm môi trường lành mạnh cho an sinh, an dân.

Về sản xuất và lưu thông hàng hóa an toàn, Thủ tướng yêu cầu từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu. Xem xét thiết lập cơ chế an toàn gồm “di chuyển an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn, ý thức an toàn, thích ứng an toàn”.

Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tuân thủ thực hiện nhất quán, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. “Trong lúc khó khăn, chúng ta đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa; đã phấn đấu rồi, phấn đấu hơn nữa; đã đoàn kết rồi, càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm rồi, quyết tâm cao hơn nữa; đã có hiệu quả rồi, hiệu quả hơn, để chiến thắng dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh./.     

TTXVN/VNP


Top