Khám phá

Quang gánh Việt

Quang gánh là một sản phẩm được sáng tạo trong quá trình lao động người Việt Nam. Quang gánh không chỉ dùng để chuyên chở hàng hóa mà còn “chở cả tâm hồn người Việt” ở nơi thôn quê.
Đã từ rất lâu rồi chiếc quang gánh đã trở thành một vật dụng rất thân quen của người dân Việt Nam. Chiếc quang gánh đã đồng hành, hỗ trợ cho những người dân lao động trong những công việc hàng ngày từ gánh lúa gạo, gánh nước đến gánh con đi làm. Nó giúp người nông dân vận chuyển hàng hóa một cách gọn gàng và thuận tiện nhất.

Không ai rõ chiếc quang gánh có mặt tại Việt Nam từ khi nào. Nhưng chắc chắn nó chính là một sản phẩm gắn liền và được sáng tạo nên từ văn hóa của vùng đất có nhiều cây tre. Chiếc quang gánh gồm chiếc đòn gánh và một đôi quang đặt ở hai đầu của chiếc đòn gánh. Chiếc đòn gánh được làm bằng tre còn đôi quang có thể làm bằng nhiều chất liệu như: mây, tre, dây thép... hoặc bện bằng thừng.


Nghề sản xuất đòn gánh của gia đình ông Gụ ở làng Vác – Thanh Oai – Hà Nội.

Gốc tre già được chọn để làm nên những chiếc đòn gánh dẻo dai, bền bỉ.

Những đoạn mắt tre sần sùi được gọt nhẵn để tạo sự êm ái cho đôi vai người gánh.

Do thân tre thường có độ cong vênh nhất định nên khi làm đòn gánh người ta phải nắn cho thẳng.

Hun khói để chống mối mọt và tạo màu đen nhánh cho đòn gánh.

Để tìm hiểu rõ hơn về cách làm ra chiếc quang gánh chúng tôi tìm về gia đình ông Gụ tại làng Vác – Thanh Oai – Hà Nội. Gia đình ông Gụ là một gia đình có truyền thống với hơn 40 năm sống với nghề làm quang gánh để mưu sinh. Theo ông Gụ, để làm ra những chiếc đòn gánh tưởng chừng rất đơn giản nhưng thực chất là một công việc rất mất thời gian và trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Những thanh tre để làm nên chiếc đòn gánh phải là những gốc tre già và thẳng. Tre được chọn sẽ được ngâm dưới nước trong vòng hai tháng sau đó đem đi phơi khô và được hun khói để tăng thêm độ chắc chắn. Mỗi gốc tre sẽ được chẻ thành hai mảnh rồi đẽo, uốn cho thật thẳng tạo thành đòn gánh.

Nhìn chiếc quang gánh ai cũng nghĩ có thể dễ dàng sử dụng nhưng thực tế người sử dụng cũng phải mất thời gian học và cách làm quen mới có thể gánh được. Từ những bước đi thật uyển chuyển cho đến cách đặt đòn gánh trên vai thật chuẩn xác. Vai người gánh phải được đặt chính giữa chiếc đòn gánh, hai bên chiếc quang phải được chia đều trọng lượng sao cho thật cân bằng thì người gánh mới dễ di chuyển.

Đến nay, khi du khách tới Việt Nam, vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc quang gánh cùng bà con lao động trên các con phố, hàng quán vỉa hè cho đến những ruộng đồng nơi thôn quê tạo thành một bức tranh nhuốm màu xưa cũ mang đậm nét đặc trưng của người Việt Nam. Chiếc quang gánh đã là một đề tài để những người làm nghệ thuật khai thác. Những nhà nhiếp ảnh, họa sĩ đã rất thành công khi sử dụng hình ảnh chiếc quang gánh để giới thiệu về đất nước Việt Nam cần cù trong lao động.


Từ bao đời nay đôi quang gánh gắn bó với người nông dân Việt Nam.

Quang gánh giúp bà con gánh nước.

Quang gánh có mặt trong các lễ hội.

Quang gánh giúp cho người dân thu hoạch nông sản.

Quang gánh giúp những người nông dân tưới nước cho cây.

Đôi quang gánh theo chân người nông dân trên bước đường mưu sinh nơi phố thị.
Thực hiện: Tất Sơn - Thông Thiện
 

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nằm khu vực Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình trưng bày hơn 150.000 hiện vật, chứng tích lịch sử vô giá về những cuộc chiến tranh ở Việt Nam (đặc biệt là 2 cuộc chiến chống thực dân và đế quốc) nhằm giúp du khách tham quan tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đầy tự hào của quân và dân ta.

Top