Phóng sự ảnh

Tuồng Cổ Làng Thổ Hà: Di Sản Văn Hóa Nghệ Thuật Đặc Sắc

Làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là một ngôi làng cổ nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng. Nơi đây không chỉ nổi bật với những nghề truyền thống như làm gốm, bánh đa nem, mì gạo, mà Thổ Hà còn là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật tuồng cổ. Với hàng trăm năm tồn tại, tuồng Thổ Hà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Tuồng Thổ Hà là một loại hình nghệ thuật tuồng cổ truyền, có ảnh hưởng sâu rộng từ tuồng cung đình, phản ánh đời sống phong kiến với những câu chuyện về vua chúa, quan lại và những trận chiến quyết liệt bảo vệ chính nghĩa. Các vở tuồng của Thổ Hà thường khai thác hai nhóm chủ đề chính: một là các tích truyện lịch sử Trung Quốc, hai là những câu chuyện về anh hùng dân tộc Việt Nam như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Huệ… Tuy nhiên, số lượng vở tuồng về lịch sử Việt Nam khá ít, do sự thiếu hụt tài liệu và truyền thừa từ thế hệ trước.

Nghệ thuật tuồng Thổ Hà có đặc điểm là tuồng cung đình, thể hiện những mâu thuẫn trong xã hội phong kiến, giữa thiện và ác, tốt và xấu. Các nhân vật trong tuồng Thổ Hà thường là những anh hùng trung quân, ái quốc, đấu tranh vì chính nghĩa, bảo vệ sự công bằng và bảo vệ tổ quốc. Đây là những vở diễn có giá trị giáo dục, thấm đẫm tinh thần trung quân, ái quốc, và đạo đức luân lý, hướng con người tới cái đẹp, cái thiện trong xã hội.

Một điểm đặc biệt trong nghệ thuật tuồng Thổ Hà là sự phản ánh rõ nét các giá trị đạo đức và luân lý phong kiến, như trung quân, hiếu, tiết, nghĩa. Những vở tuồng như "Triệu Đình Long cứu chúa", "Sơn Hậu", hay "Lý Hoài Hiền giáo tử" không chỉ kể về những sự kiện lịch sử, mà còn thể hiện những bài học về lòng trung thành, nghĩa vụ đối với đất nước và gia đình. Các vở tuồng này cũng khuyên nhủ người xem về cách đối nhân xử thế trong xã hội, từ mối quan hệ vua - tôi, cha - con, cho đến vợ - chồng và bạn bè.

Nghệ thuật diễn xướng của tuồng Thổ Hà rất độc đáo và có những đặc trưng riêng biệt. Các vở tuồng thường diễn ra vào ban đêm và có thể kéo dài suốt nhiều ngày. Sân khấu đơn giản nhưng linh hoạt, với những đạo cụ và trang phục ước lệ, giúp tạo ra không gian cho các vở diễn. Diễn viên trong tuồng Thổ Hà chủ yếu là nông dân trong làng, không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng lại rất tài năng trong việc diễn xuất và hóa trang. Họ thể hiện các nhân vật qua những hình thức hóa trang đặc biệt, với màu sắc và kiểu dáng trang phục phản ánh tính cách và vai trò của nhân vật.

Ngoài ra, âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong tuồng Thổ Hà. Dàn nhạc bao gồm các nhạc cụ như trống, kèn, nhị, sáo… hòa quyện với nhau tạo nên không gian âm nhạc đặc sắc, làm nền cho những màn trình diễn đầy cảm xúc. Múa tuồng cũng là một yếu tố không thể thiếu, giúp làm nổi bật các động tác của nhân vật và thể hiện tính cách, tâm trạng của họ.

Nghệ thuật tuồng Thổ Hà, với sự kết hợp giữa hát, múa, âm nhạc và diễn xuất, không chỉ là một loại hình nghệ thuật đặc sắc mà còn là một phần quan trọng trong di sản văn hóa của Bắc Giang. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của xã hội hiện đại, nếu không có những biện pháp bảo tồn và phát huy kịp thời, tuồng cổ Thổ Hà có thể bị mai một. Việc đưa nghệ thuật tuồng vào giảng dạy trong các trường học là một trong những cách để giới thiệu và truyền bá giá trị của loại hình nghệ thuật này đến với thế hệ trẻ.

Với những nỗ lực bảo tồn và phát huy, tuồng Thổ Hà có thể tiếp tục tỏa sáng, không chỉ ở Bắc Giang mà còn trong lòng những người yêu mến nghệ thuật truyền thống trên khắp cả nước.

Sân khấu tuồng tại làng Thổ Hà, không gian mộc mạc với nền đất, được dựng giữa sân đình làng.
Nhóm diễn viên tuồng chuẩn bị biểu diễn, trang điểm kỹ lưỡng trước giờ diễn.
Các diễn viên hóa trang cho vai diễn của mình.
Các diễn viên không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp mà chính là những người nông dân bình thường, những người mang trong mình tài năng diễn xuất tự nhiên.
Trang phục của diễn viên tuồng cũng là một điểm nhấn quan trọng cho mỗi nhân vật.
Phụ kiện trang trí trên trang phục diễn viên, thể hiện sự tỉ mỉ.
Các diễn viên tuồng chuẩn bị hóa thân vào các nhân vật của vở tuồng.
Quang cảnh một đêm diễn tuồng tại đình làng Thổ Hà.
Diễn viên trong một vai diễn biểu cảm qua động tác và ánh mắt.
Sân khấu tuồng được trang trí đơn giản.
Nhân vật vào vai vua đứng sau cánh gà chuẩn bị cho phần xuất hiện của mình trên sân khấu tuồng làng Thổ Hà.
Khán giả ngồi xem tuồng, không gian tràn ngập sự chăm chú và say mê.
Các nhạc cụ truyền thống như đần bầu, kèn, trống… được sử dụng một cách điêu luyện.
Diễn viên trong một vai diễn biểu cảm qua động tác và ánh mắt.
  • Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam

Top