Phóng sự ảnh

Trải nghiệm nghệ thuật dân tộc theo phong cách truyền thống

Vừa qua tại Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ) đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Dập dìu Tiếng Trúc Tiếng Tơ”. Đây là một chuỗi chương trình ca nhạc giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước nền âm nhạc xưa và nay của đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội.

Chương trình nghệ thuật được sáng tạo bởi các nghệ sĩ của nhóm nghệ thuật Đông Kinh Cổ Nhạc vào năm 2013 và được giới thiệu đến cộng đồng quốc tế vào năm 2014 tại khán phòng hòa nhạc Bảo tàng Cổ vật Á Châu, Musée Guimet Paris và qua sóng phát thanh của Đài France Music. Những bộ môn nghệ thuật như hát Chèo, hát Xẩm, hát Ca Trù… được thể hiện giản dị và mộc mạc. Các nghệ sĩ, nhạc công ngồi chiếu cói, đàn và hát mộc mà không có không cần đến các thiết bị hỗ trợ âm thanh như míc, loa... Chính sự mộc mạc ấy đem âm nhạc cổ truyền đến gần hơn với khán giả.

Chương trình “Dập dìu Tiếng Trúc Tiếng Tơ” là bản hòa thanh kết nối những tinh hoa âm nhạc truyền thống đã và đang tồn tại phát triển cùng lịch sử thủ đô ngàn năm văn hiến, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam với những bộ môn như Chèo, Ca trù, Xẩm, Tuồng, Ca nhạc cổ truyền Việt Nam cùng sự tham gia của  NSND Mẫn Thu, NSND Thanh Hoài, NSND Minh Gái, NSND Thúy Ngần, NSND Xuân Hoạch, NSND Hồng Kiên, NSUT Kiều Oanh, NSUT Văn Chinh, NSUT Hữu Đạt, NSUT Xuân Quý, NSUT Đức Mười…

Với chủ đề của chương trình “Dập dìu Tiếng Trúc Tiếng Tơ”. Các nghệ sĩ đã đưa người xem trải nghiệm cuộc diễu hành qua thanh âm ca nhạc và đắm mình vào bề sâu ngàn năm của lịch sử âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trúc và Tơ vừa là chất liệu vừa là tinh thần của nhạc cổ truyền thống Việt Nam. Từ tre trúc làm ra nhiều nhạc cụ, tơ tằm được chế tác thành những sợi dây đàn. Trúc là hình ảnh người quân tử, tơ là biểu tượng cho phận nữ nhi. Thành ngữ trúc tơ chỉ sự gắn kết, hòa hợp.  

Thủ đô Hà Nội, thành phố 1000 năm tuổi với nền âm nhạc có bề dày lịch sử, phong phú, đa dạng, độc đáo và đặc trưng đã được tái hiện thật sinh động. Chương trình “Dập dìu Tiếng Trúc Tiếng Tơ” đã giới thiệu tổng quan về âm nhạc xưa và nay của đất kinh kỳ - thủ đô “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”. Bằng lời ca, tiếng hát, giai điệu, tiết tấu của các loại hình âm nhạc cổ kim Việt Nam, với ngôn ngữ sân khấu sắp đặt đương đại được thể hiện bởi các nghệ sỹ hàng đầu và các nhạc công mẫu mực, chương trình mong muốn qua những âm giai, âm sắc của ca nhạc Việt Nam, được truyền tải tới người thưởng thức trong và ngoài nước những ấn tượng văn hóa đẹp về con người, văn minh và lịch sử của phố cổ Thủ Đô.

 

Chương trình “Dập dìu Tiếng Trúc Tiếng Tơ” được diễn ra tại Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ tại địa chỉ số 50 Đào Duy Từ. Ảnh: Trần Thanh Giang
Trong chương trình này, các nghệ sĩ, nhạc công ngồi chiếu cói, đàn và hát mộc mà không có các thiết bị hỗ trợ âm thanh như loa, tăng âm. Ảnh: Trần Thanh Giang
Bộ môn nghệ thuật hát Chèo được thể hiện đúng phong cách truyền thống trong chương trình. Ảnh: Trần Thanh Giang
Trích đoạn Tuồng Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội. Ảnh: Trần Thanh Giang
Hát ca Trù có nguồn gốc từ nhã nhạc cung đình nhà Lý (TK XI – XIII). Nhưng số bài bản cổ nhất lưu lại đến ngày nay chỉ còn từ thời hậu Lê (TK XVIII) được các nghệ sĩ tái hiện trong đêm diễn. Ảnh; Trần Thanh Giang
NSND Thanh Hoài thả hồn trong một điệu hát Chèo. Ảnh: Trần Thanh Giang
NSND Minh Gái hóa thân trong trích đọan Tuồng “Nguyệt Cô hóa cáo”. Ảnh; Trần Thanh Giang
Các nghệ sĩ trong đêm diễn đã đưa người xem trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc của các loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhau.
Các nghệ sĩ giao lưu cùng với khán giả trong đêm diễn. Ảnh: Trần Thanh Giang
Các nghệ sĩ trong đêm diễn đã đưa người xem trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc của các loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhau. Ảnh: Trần Thanh Giang
  • Thực hiện: Trần Thanh Giang

Top