Phóng sự ảnh

Ngắm TP. Hồ Chí Minh đẹp rực rỡ từ trên cao

Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay khoác trên mình vẻ đẹp của một đô thị hiện đại, năng động, đầy sức sống được bao bọc bởi sông Sài Gòn chở nặng phù sa.

Nhìn từ trên cao, kiến trúc đô thị TP.HCM hiện ra vừa hiện đại vừa hài hòa với nhiều công trình ấn tượng nằm cạnh bên sông Sài Gòn như: Tòa nhà Landmark 81 tầng (quận Bình Thạnh); hầm vượt Thủ Thiêm (nối quận 1 và Tp. Thủ Đức), cầu Ba Son (quận 1), khu đô thị Thủ Thiêm (Tp. Thủ Đức), công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) đang trở thành những biểu tượng kiến trúc mới trọng sự khẳng định phát triển đô thị của Thành phố. Bức tranh thành phố về đêm được vẽ ra càng trở nên rực rỡ, đa sắc màu dưới những ánh đèn, sôi động với những hoạt động giải trí, văn hóa, ẩm thực đa dạng xứng danh là một “thành phố không ngủ”. Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), khu vực Công trường Lam Sơn, phía trước Nhà hát Lớn Thành phố (quận 1) đã trở tâm địa điểm chính của nhiều hoạt động văn hóa – thể thao và nghệ thuật cộng đồng, phục vụ miễn phí cho người dân và du khách vào dịp cuối tuần. Thành phố có hàng chục sự kiện lễ hội – văn hóa nghệ thuật truyền thống diễn ra định kỳ  thường niên được tổ chức ở các địa điểm nổi tiếng của địa phương mang lại những trải nghiệm, khám phá mới mẽ, hấp dẫn trong hành trình khám phá của du khách./.

Với diện tích hơn 2.000 km2 cùng hơn 10 triệu dân, TP HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Sự phát triển với tốc độ khá nhanh cũng là tiền đề để Sài Gòn trở thành một trong những thành phố hoa lệ của khu vực Đông Nam Á.
Trụ sở UBND TP HCM, số 86, Lê Thánh Tôn, quận 1. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ điển, mang tính biểu tượng và gắn liền với nhiều thế hệ công dân Sài Gòn. Công trình được xây dựng từ năm 1898 - 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế.
Tòa nhà Landmark 81 và khu vực Vinhomes Tân Cảng lung linh trong bình minh. Nơi đây được ví như “thành phố thu nhỏ” ven sông Sài Gòn. Tòa nhà cao 81 tầng, cao 461,3 m, được lấy cảm hứng từ hình ảnh bó tre truyền thống với hình dáng vươn lên mạnh mẽ.
Công trường Mê Linh, quận 1, được ví như “trái tim” của khu bờ Tây sông Sài Gòn. Đây là nơi giao nhau 6 tuyến đường (từ trái qua) gồm Tôn Đức Thắng, Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt, Hai Bà Trưng và Thi Sách, xung quanh vòng xoay tập trung nhiều tòa nhà văn phòng, khách sạn cao cấp và ở giữa có một hồ nước nhân tạo đặt tượng Trần Hưng Đạo.
Sau 48 năm kể từ ngày giải phóng, hàng trăm tòa cao ốc mọc lên để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế cả nước và khu vực. Bên cạnh đó những công trình kiến trúc cổ vẫn được gìn giữ, bảo tồn.
Đại lộ Võ Văn Kiệt (hay còn gọi đại lộ Đông Tây) là trục giao thông hiện đại kết nối hai đầu Đông Bắc - Tây Nam thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông ra vào cảng Sài Gòn. Đây cũng là con đường nối các tỉnh miền Đông và miền Tây mà không phải đi vào trung tâm thành phố, giúp liên kết chặt chẽ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bến Bình Đông là một trong hàng chục bến quan trọng của hệ thống kênh rạch Sài Gòn, là đường giao thông thủy chủ yếu ngày xưa, kết nối Sài Gòn với lục tỉnh miền Nam.
Sài Gòn ngày càng thay da đổi thịt với những dòng kênh xanh sạch sẽ minh chứng cho một đô thị hiện đại, văn minh.
Ngày hội kinh khí cầu Tp. Hồ Chí Minh là một trong những hoạt động mới mẻ, độc đáo với mô hình “Lễ hội trong lễ hội”, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến Tp. HCM với du khách trong nước và quốc tế vào thời điểm cuối năm.
Đường hoa Nguyễn Huệ tại phố đi bộ dài 720 m, đã trở thành nét văn hóa của Tết Sài Gòn và là hoạt động không thể thiếu đối với người dân TP. HCM mỗi dịp Tết đến xuân về...
Một trong những công trình trọng đại ý nghĩa của Sài Gòn đổi mới là hầm vượt sông Thủ Thiêm dài 1.490 m kết nối quận 1 và thành phố Thủ Đức , tạo điều kiện thuận lợi giao thương cho phía đông và tây thành phố.
  • Báo ảnh Việt Nam/ Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Kim Cương

Top