Phóng sự ảnh

Chinh phục đỉnh Tà Xùa

Trong những năm gần đây, trekking và leo núi đã trở thành một trào lưu du lịch phổ biến, thu hút những người muốn tìm kiếm những trải nghiệm mạo hiểm và khám phá thiên nhiên hoang sơ. Trong số những điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thích trekking, Tà Xùa ở tỉnh Yên Bái, nổi lên như một thiên đường cho những hành trình phiêu lưu giữa núi rừng nguyên sinh. Với cảnh quan kỳ vĩ, đa dạng sinh thái và những con đường chưa được khám phá, Tà Xùa mang đến những trải nghiệm du lịch độc đáo và thách thức cho những người muốn khám phá và vượt qua giới hạn của mình.

 Dãy núi Tà Xùa thuộc bản Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) có độ cao 2865m so với mực nước biển là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Cung đường này có tổng chiều dài khoảng 20km, địa hình chủ yếu là sườn núi dốc và rừng nguyên sinh, được các công ty tổ chức tour mạo hiểm xếp loại mức độ khó ở cấp 4 (cấp độ Thách thức/Challenging) trong tổng số 5 mức xếp loại. Cung đường này thường phù hợp với những người đã có kinh nghiệm trekking. Đối với những người lần đầu leo núi cần luyện tập thể lực tốt, luyện tập thể thao và chạy bộ thường xuyên từ 2-3 buổi/tuần trước khi quyết định lên đường chinh phục đỉnh Tà Xùa.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình chinh phục đỉnh Tà Xùa vào những ngày cuối năm 2023. Nhóm chúng tôi đón xe khách từ bến xe Mỹ Đình lên trung tâm huyện Trạm Tấu, sau đó đi xe du lịch 16 chỗ Transit đưa chúng tôi từ trung tâm huyện đến bản Tà Xùa. Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi khởi hành từ homstey ở bản Tà Xùa, đích đến đầu tiên là điểm nghỉ chân cạnh gốc cây táo cổ thụ ở lưng chừng núi, thời gian di chuyển khoảng 4 giờ đồng hồ. Chặng này được những người dân địa phương gọi là chặng khởi động, chúng tôi vượt qua những con dốc dài có độ nghiêng vừa phải, trên đường đi có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát.

 Trên đường đi, hướng dẫn viên người địa phương giới thiệu với chúng tôi về địa danh Tà Xùa và những nét phong tục độc đáo của người dân tộc Mông. Tà Xùa, theo tiếng Mông có nghĩa là đỉnh núi có nhiều cây thảo dược quý, là nơi mà những thầy lang thường đi hái lá thuốc về chữa bệnh cho người dân. Người dân bản Tà Xùa trước kia quen với việc đồng áng, nay bước sang làm nghề du lịch nông nghiệp trong lúc nông nhàn. Trong suốt chặng đường chinh phục đỉnh núi cao sừng sững họ mang đồ giúp du khách, chuẩn bị các bữa ăn và đồ ngủ khi du khách qua đêm ở các lán tạm trong rừng sâu.

 Chặng đường thứ 2 tính từ gốc cây táo đến mỏm đá đầu rùa. Chúng tôi lần lượt vượt qua các con dốc cao sừng sững để tới mỏm đá vươn ra từ vách núi có hình đầu rùa ở độ cao khoảng 2100 m so với mực nước biển. Tới đây, mỗi người trong nhóm chúng tôi đều kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt đứng trên mỏm đá phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh quan núi rừng hùng vĩ của Tà Xùa. Đứng giữa một biển mây trắng bồng bềnh tuyệt đẹp, ai cũng muốn lưu lại cho mình một bức ảnh kỷ niệm với biển mây khi vượt qua chặng đường thử thách đầu tiên. Sau đó, chúng tôi lán nghỉ trưa vào lúc 13h30, hoàn thành nửa chặng đường chinh phục Tà Xùa, nghỉ ăn trưa và chuẩn bị thể lực cho hành trình khó khăn nhất ở phía trước.

 Chặng tiếp theo cũng là chuyến hành trình thách thức nhất đối với hệ thần kinh khi chinh phục đỉnh Tà Xùa. Chúng tôi đi qua những đỉnh núi trùng điệp, bai bên là vực sâu thăm thẳm, được ví như sống lưng khủng long. Chặng đường này khá nguy hiểm nên có hệ thống cọc sắt, dây cáp chạy song song với sườn núi để cho du khách bám vào khi leo núi. Vượt qua những dãy “sống lưng khủng long” uốn lượn, chúng tôi đến lán nghỉ thứ hai để nghỉ qua đêm khi trời đã tối hẳn. Những cơn mưa rừng tạt qua làm tăng thêm độ rét buốt như cắt da thịt của miền núi.

 Khoảng 4 giờ sáng hôm sau, khi trời còn tối đen như mực, chúng tôi bắt đầu chặng đường khó khăn nhất băng qua khu rừng nguyên sinh toàn cây cổ thụ bám đầy rêu và các loại cây tầm gửi, được giới leo núi gọi là cánh “Rừng Rêu”. Trong ánh sáng mờ nhòe của đèn pin, những cây cổ thụ già nua rêu phong của rừng nguyên sinh hiện lên đầy ma mị. Những cành cây xù xì, gân guốc xà xuống lối mòn như những cánh tay ma quỷ toan chộp lấy những người qua đường. Cảm giác sợ hãi dường như lên đến đỉnh điểm mỗi khi ai đó bị trượt chân ngã và kêu thất thanh. Cả nhóm chúng tôi nén chặt nỗi sợ, chân rảo bước nhanh theo hướng dẫn viên người địa phương để không bị lạc trong đêm tối. 

 Vượt qua bùn lầy, nỗi sợ hãi và sự mệt mỏi, chúng tôi vẫn băng đi trong bóng đêm. Khi nhìn thấy những tia sáng đầu tiên chiếu rọi qua những kẽ lá cũng là lúc chúng tôi vượt qua khu rừng ma mị và đạt đến điểm mốc ghi dấu Đỉnh núi Tà Xùa độ cao 2865 mét. Chúng tôi cùng nắm chặt tay nhau đứng quanh cột mốc chụp ảnh và tận hưởng sự ấm áp của ánh bình minh vàng rộm đang tràn ngập núi rừng.

Cảnh quan hùng vĩ của dãy núi Tà Xùa thuộc huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) trở thành điểm đến yêu thích đối với những du khách mong muốn được phiêu lưu giữa núi rừng nguyên sinh Tây Bắc. Ảnh: Trần Hiếu
Nhóm du khách Thái Lan trên đường leo núi chinh phục đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Trần Hiếu
Biển mây trắng bồng bềnh bao quanh những dãy núi trùng điệp, bai bên là vực sâu thăm thẳm, được ví như sống lưng khủng long. Ảnh: Trần Hiếu
Trekking và leo núi đã trở thành một trào lưu du lịch phổ biến, thu hút những người muốn tìm kiếm những trải nghiệm mạo hiểm và khám phá thiên nhiên hoang sơ của núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Trần Hiếu
Du khách ngỡ ngàng khi bước vào cánh rừng rêu trên đường chinh phục đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Trần Hiếu
Khu rừng nguyên sinh toàn cây cổ thụ bám đầy rêu và các loại cây tầm gửi, được giới leo núi gọi là cánh “Rừng Rêu”. Ảnh: Trần Hiếu
Các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc đỉnh cao 2865m của Tà Xùa. Ảnh: Trần Hiếu
Niềm vui của du khách trên chặng đường chinh phục đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Trần Hiếu
Hình ảnh những sườn núi dốc đứng như sống lưng khủng long thấp thoáng trong biển mây trên dãy núi Tà Xùa. Ảnh: Trần Hiếu
Nhiều đoạn núi bị sạt lở gây khó khăn cho du khách trong quá trình leo núi Tà Xùa. Ảnh: Trần Hiếu
Hình ảnh địa chất địa mạo đặc trưng của vùng núi Tà Xùa. Ảnh: Trần Hiếu
Các bạn trẻ khám vượt qua những địa hình khó khăn để chinh phục đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Trần Hiếu
  • Thực hiện: Trần Hiếu/Báo ảnh Việt Nam

Top