Phóng sự ảnh

50 năm thống nhất đất nước: những cây cầu góp phần “tô điểm” thành phố Hồ Chí Minh

Nửa thế kỷ đi qua kể từ dấu mốc 30/4/1975 – Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thành phố Hồ Chí Minh có sự phát triển nhanh chóng ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, sự phát triển về hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là những cây cầu trong nội thành hay trên các trục đường cửa ngõ, bên cạnh chức năng kết nối giao thông còn góp phần “tô điểm” thêm diện mạo trẻ trung và hiện đại của thành phố mang tên Bác.

Đặc biệt, qua ống kính của nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Kim Cương (hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam), những chiếc cầu nối đôi bờ thành phố ngoài chức năng kết nối giao thông, kết nối đô thị còn mang những hình dáng đặc trưng và toác lên vẻ đẹp riêng biệt. Từ những cây cầu được xây dựng lâu năm như cầu Sài Gòn, cầu Kiệu, cầu Mống, cầu Điện Biên Phủ… đã trở nên quá đỗi thân thuộc và gắn liền với đời sống người dân thành phố, cho đến những cây cầu hiện đại với dấu ấn riêng được xây dựng trong những năm gần đây như cầu Ba Son, cầu Ánh Sao, cầu Thủ Thiêm 2…   cho đến hầm chui Thủ Thiêm dưới lòng sông Sài Gòn, hay hệ thống các cầu vượt từ nội đô ra ngoại thành… tất cả đều trở nên sinh động, mang những hình dáng sắc thái riêng, cũng như thể hiện được tính hiện đại và kết nối đô thị. Vào ban đêm cùng với góc ảnh từ trên cao, những cây cầu hiện lên qua ống kính của nữ nghệ sĩ càng lấp lánh sắc màu, kết nối vào hạ tầng đô thị, kết nối đôi bờ sông tạo thành những hình dáng đẹp mắt và ấn tượng. Qua nghệ thuật nhiếp ảnh, những cây cầu không đơn thuần chỉ là công trình giao thông mà còn mang ý nghĩa thể hiện sự phát triển của đô thị, là điểm nhấn kiến trúc và là tình yêu của người nghệ sĩ dành cho thành phố này.

Cùng ngắm nhìn những cây cầu góp phần “tô điểm” vẻ đẹp cho TP.HCM qua ống kính của nữ NSNA Kim Cương./.

Cầu Sài Gòn dài 1km nối đôi bờ sông Sài Gòn - đây là cây cầu huyết mạch của thành phố, giúp kết nối giao thông nội - ngoại thành và giải quyết triệt để điểm tắc nghẽn ở cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố.
Cầu Ba Son dài gần 1,5 km, 6 làn xe, khánh thành vào dịp 30/4/2022; cây cầu có thiết kế dây văng cùng trụ tháp cao 113m với biểu tượng hình đầu rồng, vừa kết nối Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) và Quận 1, vừa góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của dòng sông Sài Gòn, biểu tượng của sự phát triển không ngừng của thành phố.
Cầu vượt ngã ba Cát Lái được đưa vào sử dụng từ năm 2010 giúp tháo gỡ nút thắt giao thông trên Xa lộ Hà Nội và đường Mai Chí Thọ (TP.Thủ Đức), đây là tuyến đường quan trọng bậc nhất khu vực cửa ngõ phía Đông nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ.
Cầu vượt Bình Chánh nằm ngay trên quốc lộ 1A, đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM, là cửa ngõ giao thông, kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Cầu Phú Mỹ (quận 7) không chỉ là một công trình giao thông, mà còn là một điểm nhấn kiến trúc, được xem “cây cầu dây văng lớn nhất” của thành phố (dài 2000m, rộng 27.5m, với 6 làn xe). Cầu Phú Mỹ càng trở nên đẹp hơn khi về đêm.
Cầu vượt ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) là cầu vượt nhẹ bằng thép thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh – sau cầu vượt ngã tư Thủ Đức, là giải pháp giảm kẹt xe ùn tắc tại ngay giao lộ này.
Cầu Lê Văn Sỹ là cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nối đường Trần Quốc Thảo và đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP.HCM).
Cầu Điện Biên Phủ (tên gọi cũ là cầu Phan Thanh Giản) bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trên đường Điện Biên Phủ, nối quận 1 với TP.Thủ Đức, là một trong những cây cầu nội thành quan trọng của thành phố.
Khác với chức năng của những cây cầu thông thường, cầu Ánh Sao (quận 7) là cầu chỉ dành cho người đi bộ để ngắm cảnh và được xem là cầu bộ hành hiện đại đầu tiên của TP.HCM được hoàn thành vào năm 2010.
Cầu vượt Bình Triệu nằm trên quốc lộ 13, nối TP Thủ Đức.
TP.HCM với việc xây dựng nhiều cầu vượt trên các tuyến đường huyết mạch, tuyến đường cửa ngõ mang lại giải pháp giải tỏa tắc nghẽn giao thông đô thị, trong ảnh là cầu vượt Khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức).
Cầu Kiệu là cây cầu nội thành bắc qua kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kết nối quận 1 và quận 3, và là một trong những cây cầu có lịch sử lâu đời nhất của thành phố.
Những cây cầu không chỉ kết nối giao thông còn góp phần “tô điểm” thêm diện mạo trẻ trung và hiện đại của thành phố Hồ Chí Minh.
Cầu chữ Y kết nối giao thông giữ quận 5 với quận 8 và cầu Nguyễn Văn Cừ nối quận 1, 5 với quận 4, 8. Đây là trục giao thông kết nối khu trung tâm thành phố với các đô thị phía nam.
Cầu Khánh Hội là cây cầu bắc qua Kênh Bến Nghé, ngay cửa ngõ sông Sài Gòn, nằm trước Bến Nhà Rồng và cột cờ Thủ Ngữ; là cây cầu quan trọng của thành phố, giúp kết nối giữa quận 1 và quận 4.
  • Bài: Sơn Nghĩa/ Báo ảnh Việt Nam - ảnh: Kim Cương

Top