Tin tức

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia thảo luận trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018

Phiên thảo luận với chủ đề Tương lai việc làm ở ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và tham gia thảo luận. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), sáng 13/9 đã diễn ra Phiên thảo luận với chủ đề Tương lai việc làm ở ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam và các diễn giả nước ngoài.

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến rất nhiều công nghệ mới nhưng cũng cần quan tâm thỏa đáng tới những thách thức mà cuộc cách mạng này mang lại. 

Sự phát triển của công nghệ mới sẽ làm nảy sinh các cơ hội việc làm, tuy nhiên nhiều công việc cũ sẽ bị mất đi do bị thay thế; đặc biệt là những nghề Việt Nam đang có tỷ trọng lớn như dệt may, da giày, xây dựng, cơ khí hay những công việc đơn giản cho phụ nữ trong các nhà máy điện tử.

Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều mối lo ngại trước những yêu cầu đào tạo để người lao động có thể chuyển sang nghề mới, hoặc có trình độ cao hơn để đáp ứng những kỹ thuật mới. Đặc biệt, Việt Nam hiện nay vẫn còn khoảng 38% tổng số lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam còn phải tiếp tục chuyển đổi những lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Từ đó, trong bức tranh toàn cảnh về việc làm đặt ra hai vấn đề, đó là giải pháp để tất cả lao động học được kỹ năng phục vụ cho công nghệ mới, đồng thời có thể tự tạo việc làm cho bản thân mình, không phụ thuộc vào nhu cầu việc làm từ các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Người nông dân có thể cải thiện kỹ năng, trình độ trong sản xuất để tiếp tục canh tác, tạo ra những công nghệ mới, tiếp cận với khách hàng không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới để bán hàng, cung cấp dịch vụ.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang có nhiều dự án khác nhau, trong đó có dự án đổi mới các chương trình đào tạo từ bậc phổ thông cho đến dạy nghề và đào tạo trong các trường đại học trên tinh thần tương thích với một khung trình độ, trước hết là của ASEAN, sau đó là khung trình độ quốc tế. Phó Thủ tướng cho rằng, về mặt hệ thống, các quốc gia ASEAN cần tiến tới hợp tác với nhau để công nhận bằng cấp của nhau, chia sẻ học liệu, kinh nghiệm để cùng phát huy những ưu thế của mỗi quốc gia.../.

TTXVN/VNP


Top