Tin tức

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 24

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 24. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)

Từ ngày 11-12/6, tại Tokyo (Nhật Bản) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 24. 

Tham dự Hội nghị có nhiều lãnh đạo cấp cao, đại diện các bộ, ngành các nước và 500 đại biểu từ các tổ chức khu vực và quốc tế, giới học giả, doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình là khách mời danh dự của Hội nghị năm nay và đã có bài phát biểu chính tại Hội nghị. 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, với chủ đề "Duy trì châu Á cởi mở-phương thức bảo đảm thịnh vượng và ổn định,” Hội nghị đã tập trung thảo luận về các xu thế, nhân tố có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của châu Á. 

Các đại biểu đã thảo luận sâu về quan hệ giữa các nước lớn; các căng thẳng thương mại; triển vọng và ý nghĩa của các hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); tình hình Bán đảo Triều Tiên và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều; nhu cầu và công cụ tài chính phục vụ phát triển hạ tầng cơ sở tại châu Á. 

Các đại biểu cũng trao đổi về các biện pháp mà các nước châu Á cần thực hiện trong bối cảnh mới để duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm phát triển bền vững tại mỗi quốc gia và cả châu lục.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh những thành tựu to lớn mà châu Á đạt được trong những thập kỷ vừa qua là kết quả của chính sách mở cửa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, tăng cường kết nối khu vực, bảo đảm môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi. 

Phó Thủ tướng nêu bật vai trò của sự cởi mở, tinh thần hợp tác là nhân tố then chốt giúp châu Á vượt qua khủng hoảng tài chính thế giới và là động lực tăng trưởng kinh tế của châu Á. 

Trên cơ sở nhận định những thách thức lớn mà châu Á đang phải đối mặt, Phó Thủ tướng đã đề xuất 5 nhóm giải pháp chính giúp châu Á duy trì đà tăng trưởng trong điều kiện mới, gồm:

Các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều cần tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); 

Đẩy mạnh mở cửa và hội nhập kinh tế toàn diện để bảo đảm hài hòa lợi ích của tất cả các bên tham gia, phục vụ mục tiêu chung về phát triển bền vững và bao trùm; 

Đẩy mạnh mở cửa của nền kinh tế cho phù hợp với tốc độ và trình độ phát triển của mỗi quốc gia vì lợi ích riêng của từng quốc gia và lợi ích chung của cả khu vực;

Để bắt kịp các xu thế mới và duy trì tăng trưởng bền vững, dài lâu, cần có tư duy mới về phát triển lấy sự cân bằng, hài hoà cởi mở, hợp tác làm cơ sở, lấy con người là yếu tố trung tâm và sáng tạo là động lực của phát triển; 

Các quốc gia cần tăng cường xây dựng lòng tin để bảo đảm môi trường an ninh, chính trị hòa bình, ổn định cho phát triển. 

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đã chia sẻ những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 30 năm đổi mới; nhấn mạnh niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp lan tỏa trong xã hội là động lực để Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đổi mới, hội nhập, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định để duy trì đà phát triển và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến 2020, Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đổi mới. Theo đó, ba nội dung chủ yếu là: Xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ với nền tảng là sự cởi mở, minh bạch và trong sạch; Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh; Tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế. 

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp quốc tế nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng. Nhìn lại 45 năm hợp tác Việt-Nhật, Phó Thủ tướng khẳng định Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang ở vào giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất và bày tỏ tin tưởng hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển toàn diện và thực chất trên tất cả các lĩnh vực. 

Cùng ngày, bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền./.
 

TTXVN/VNP

UNESCO đồng hành với Ninh Bình trong phát huy giá trị di sản

UNESCO đồng hành với Ninh Bình trong phát huy giá trị di sản

Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Top