Tin tức

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN
Ngày 12/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực vượt qua, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra; thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Đến nay, tổng công suất nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên đạt khoảng 29.638 MW, chiếm khoảng 43% công suất đặt của toàn hệ thống (69.300 MW). Điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh (đạt 100,12% kế hoạch và tăng 3,42% so với năm 2019).

Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện và thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống. EVN chủ động phối hợp cùng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất điện (than, khí, dầu); đáp ứng đủ điện cho sản xuất của các doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh đạt và vượt mục tiêu đề ra.

EVN đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn. Công tác dịch vụ khách hàng được nâng cao, đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện và chiếm trên 77% giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngành điện nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, đồng thời thực hiện hỗ trợ giảm giá, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện (khoảng 12.300 tỷ đồng).

EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án điện, đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng; thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo; tích cực triển khai các dự án điện nông thôn được giao; góp phần nâng cao tỷ lệ số xã nông thôn đạt tiêu chí số 4 (tiêu chí về điện) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới lên 87,9%. 100% số xã trên cả nước có điện; 99,54% số hộ dân được sử dụng điện, trong đó, số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.

Ngành điện cũng tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, an sinh xã hội và chung sức xây dựng nông thôn mới, thể hiện vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp vì sự phát triển cộng đồng (tổng giá trị khoảng 247 tỷ đồng).

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong bối cảnh năm 2020 có nhiều khó khăn, biến động, nhưng nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật. Trong kết quả chung của cả nước, có sự đóng góp rất quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam – đơn vị chủ lực trong ngành năng lượng, có vai trò đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của người dân.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đồng thời, cũng là yêu cầu, nhiệm vụ cho ngành điện nói chung, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

"Yêu cầu trong thời gian tới là phải bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái" - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trong đó, EVN phải phát triển hạ tầng ngành điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; phải khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng...

"Để làm được điều đó, phải phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hội nhập quốc tế. Sản xuất kinh doanh điện năng, tư vấn điện có hiệu quả, phát triển bền vững. Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn, không chỉ trong nước mà ở cả khu vực và thế giới" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn EVN tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện hoàn thành quy hoạch điện VIII, trong đó lưu ý: xác định rõ quy mô, tổng công suất nguồn điện cho từng giai đoạn; xác định rõ cơ cấu nguồn điện. Ngành điện ưu tiên các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo với cơ cấu phù hợp, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống trong từng giai đoạn; xác định rõ không gian bố trí và thời gian thực hiện đầu tư các nguồn điện phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương. Quy hoạch phát triển mạng lưới truyền tải đáp ứng yêu cầu giải tỏa công suất nguồn điện, truyền dẫn điện đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện quốc gia để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước; đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang chậm tiến độ; đa dạng hóa các loại hình phát điện, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo với tỷ trọng hợp lý; phát triển nguồn điện mới đi đôi với đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại; nghiên cứu đổi mới công nghệ các nhà máy điện đang vận hành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường...

Lưu ý, thời gian qua, đã có tình trạng phát triển điện mặt trời theo phong trào, Phó Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn EVN phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng tiêu chí phát triển điện mặt trời áp mái, không để tình trạng trục lợi chính sách.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện; thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện.

Ngành điện thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023.

Tập đoàn EVN tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác quản trị doanh nghiệp nhằm xây dựng các doanh nghiệp ngành điện lớn mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; có tiềm lực tài chính mạnh, tín nhiệm tài chính cao để có khả năng tự huy động vốn cho phát triển điện.

Tập đoàn thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động.

Đồng thời, EVN tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu thụ điện, từng bước thay thế các công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng bằng các công nghệ tiêu hao ít điện năng; tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trong toàn xã hội./.

TTXVN/VNP

UNESCO đồng hành với Ninh Bình trong phát huy giá trị di sản

UNESCO đồng hành với Ninh Bình trong phát huy giá trị di sản

Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Top