Tin tức

Phát triển du lịch - cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Sản phẩm nông nghiệp hỗ trợ du lịch khởi nghiệp được trưng bày giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Nằm trong chuỗi những sự kiện Lễ hội Óc Om Bóc-Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV khu vực đồng bằng sông Cửu long, ngày 10/11, Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng đã tổ chức Hội thảo: Du lịch – Cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên tiềm năng lợi thế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, du lịch, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh.

Tại hội thảo, đã có nhiều tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp đóng góp ý kiến đề xuất đưa ra những hướng phát triển khởi nghiệp để Sóc Trăng nói riêng và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung nắm bắt lợi thế riêng có của vùng, địa phương mình đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch sông nước, miệt vườn, du lịch biển… Đa số các ý kiến cho rằng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế như sông rạch, cây trái, sản phẩm đặc trưng sẵn có, nhiều sản phẩm có thể trở thành đồ lưu niệm phục vụ, thu hút du khách nếu biết khai thác tốt.

Theo Thạc sĩ Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế so sánh rất lớn so với các vùng miền khác như tài nguyên thiên nhiên, biển, đảo, sông, rừng ngập mặn ven biển, các khu bảo tồn ngập nước, khí hậu trong lành. Bên cạnh đó, phong cảnh làng quê, đồng ruộng, vườn cây ăn trái tươi đẹp, người dân mến khách… Tuy có nhiều lợi thế nhưng tình hình phát triển du lịch vùng này vẫn còn chậm, lượng khách thấp, doanh thu từ du lịch thấp, khách lưu lại các địa phương rất ngắn ngày. Nguyên nhân là do thiếu sự đa dạng sản phẩm, loại hình du lịch chưa phong phú.

Để tháo gỡ hạn chế này, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp chủ yếu như: cần phải hiểu đúng về du lịch, sản phẩm du lịch, loại hình du lịch; xây dựng các sản phẩm dựa trên sự khác biệt về tài nguyên, địa thế, thế mạnh vùng để tạo ra những sản phẩm du lịch, loại hình du lịch khác biệt bên cạnh những sản phẩm du lịch chính của vùng; phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn với những hoạt động trải nghiệm ngoài đồng ruộng và các loại hình lưu trú đa dạng như: homestay, farmstay ở các làng quê; phát triển chiều sâu các sản phẩm du lịch gắn với mặt nước như du thuyền, chèo thuyền, hoạt động thể thao, các khu nghỉ dưỡng ven sông…

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư Tỉnh Ủy Sóc Trăng đánh giá cao những ý kiến đóng góp, giải pháp đề xuất để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, tăng thêm tính mới lạ, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đẩy mạnh phát triển du lịch cho tỉnh Sóc Trăng cũng như cả vùng đồng bằng sông Cửu Long của các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp; đồng thời mong rằng các nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch tiếp tục quan tâm đầu tư thúc đẩy du lịch Sóc Trăng phát triển nhanh, mạnh hơn nữa với những lợi thế sẵn có.

Tại hội thảo, Ban tổ chức đã kết hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao Chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng và kích hoạt hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo online INNOTEK* tại vùng đồng bằng sông Cửu Long./.

TTXVN/VNP


Top