Tin tức

Phát triển bền vững khu vực biên giới Lào Cai-Vân Nam

Ngày 18/4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững khu vực biên giới Lào Cai-Vân Nam, những vấn đề đặt ra và giải pháp.”

Đây là dịp để các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học, nhà quản lý cùng trao đổi đề xuất các giải pháp xây dựng khu vực biên giới Lào Cai-Vân Nam phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng khu vực biên giới Lào Cai-Vân Nam hội đủ các điều kiện thuận lợi, giữ vị trí, vai trò cửa ngõ trung tâm trong việc kết nối phát triển vùng Trung du miền núi Bắc Bộ của Việt Nam và vùng Tây Nam của Trung Quốc.

Vì sự phát triển bền vững khu vực biên giới Lào Cai-Vân Nam, các học giả, các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng nhau chia sẻ thông tin, ý tưởng và đề xuất các giải pháp xây dựng phát triển khu vực biên giới, xứng đáng với vai trò của ngõ của trung tâm vận chuyển, trung tâm dịch vụ, trung tâm du lịch vùng Tây Bắc, Bắc Bộ Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc.

Trên cơ sở phân tích một số đặc điểm khu vực biên giới Lào Cai-Vân Nam, tiến sỹ Nguyễn Đình Liêm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc nhấn mạnh vai trò "cửa ngõ" trong việc kết nối “Hai hành lang, một vành đai,” “Một trục hai cánh;” kết nối phát triển vùng Trung du miền núi Bắc Bộ của Việt Nam và vùng Tây Nam của Trung Quốc, rộng lớn hơn là kết nối với tiểu vùng sông Mekong, kết nối với khu vực ASEAN và quốc tế.

Nội dung kết nối là liên kết thị trường Trung Quốc, Việt Nam và ASEAN nhằm tạo động lực lớn trong hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế và thúc đẩy thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển xã hội, quản lý xã hội, xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch, mở rộng không gian hợp tác văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường và hợp tác quốc phòng an ninh.

Hiện nay, Lào Cai và Vân Nam tập trung xây dựng cửa khẩu Lào Cai-Hà Khẩu thành cặp cửa khẩu văn minh, hiện đại, đảm bảo vai trò trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn giữa Việt Nam-Trung Quốc và các nước ASEAN. Cùng với đó, việc đầu tư mở rộng khu kinh tế cửa khẩu được hai bên chú trọng như Khu kinh tế thương mại-công nghiệp Kim Thành (Lào Cai) và Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Sơn (Hà Khẩu) đang từng bước trở thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới, nhằm thu hút thương mại đầu tư trong khu vực biên giới.

Các đại biểu thống nhất ý kiến đề nghị Nhà nước cần có nhiều quyết sách, thực thi quyết sách phù hợp với hoàn cảnh địa phương trên nền tảng mối quan hệ hai nước.

Khu vực biên giới Lào Cai có đường biên giới tiếp giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với chiều dài gần 184km. Đoạn biên giới trên sông Hồng, sông Nậm Thi, sông Xanh, sông Lũng Pô và sông Ba Kết dài hơn 131km; đoạn biên giới trên đất liền dài 52km.

Địa hình khu vực biên giới Lào Cai-Vân Nam chủ yếu là đồi núi hiểm trở, rừng núi cao, nhiều vực sâu, đường xá đi lại khó khăn, đất đai kém màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt, hầu hết sông suối về mùa khô đều cạn, đi lại dễ dàng làm nảy sinh các hoạt động vi phạm Quy chế biên giới./.
 
TTXVN/VNP


Top