Tin tức

Phát triển bền vững các giá trị văn hóa nghệ thuật Việt Nam

 Hiệu trưởng các trường văn hoá nghệ thuật ký kết hợp tác tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Ngày 11/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra tọa đàm giao lưu các trường văn hoá nghệ thuật toàn quốc lần thứ XI năm 2019 với chủ đề “Giải pháp phát triển các trường Văn hóa nghệ thuật” do Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức. Đây là dịp để lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các trường Cao đẳng, Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật trong cả nước trao đổi, thảo luận tìm giải pháp củng cố, phát triển các ngành nghệ thuật truyền thống theo hướng bảo tồn, giữ gìn các giá trị truyền thống; đồng thời tiếp nhận xu hướng mới trên thế giới và mục tiêu phát triển bền vững các giá trị văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Theo Thạc sĩ Trương Thị Ánh Nga, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, với tiêu chí “Đoàn kết – Phát triển”, tọa đàm giao lưu giữa các trường còn hướng đến sự gắn kết, tạo mối quan hệ chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, đào tạo; đúc kết các kinh nghiệm, tìm giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng dạy và học. Tọa đàm còn là dịp để các trường giới thiệu thế mạnh đào tạo, công tác quản lý, giảng dạy, ký kết hợp tác, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, liên kết đào tạo, hỗ trợ cùng phát triển.
           
Hiện các trường cao đẳng, trung cấp văn hóa nghệ thuật trong nước gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đào tạo khối nghệ thuật; về vấn đề sáp nhập giữa các trường trung cấp và cao đẳng ở địa phương; việc chuyển giao các trường đào tạo nghề văn hóa nghệ thuật về ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; công tác tự chủ tài chính; xây dựng các tiêu chí, định mức, nội dung, chương trình đào tạo; công tác tuyển sinh và các bộ môn đào tạo...

Để tháo gỡ những khó khăn trên, bà Vũ Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng cho rằng, cần có lộ trình dài hạn và nghiên cứu kỹ, nhất là vấn đề về tự chủ tài chính. Do đặc thù của các trường đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật nên việc tự chủ cần thực hiện theo từng giai đoạn, từng ngành nghề trọng điểm. Song song đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ dành cho những ngành mang tính bảo tồn văn hoá dân tộc, những ngành nghề mà phụ huynh, học sinh và cả xã hội ít quan tâm.
           
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần quan tâm hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Cụ thể như xây dựng cổng thông tin chung trong công tác tuyển sinh; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường chủ động tuyển sinh đào tạo ở một số ngành nghề, dịch vụ khác; đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất theo hướng chuyên nghiệp... để từ đó tiến đến tự chủ tài chính, đảm bảo phát triển ngành nghề theo đúng tiến độ.
           
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Cần Thơ kiến nghị các bộ, ngành nên công nhận bằng trung cấp nghề có giá trị tương đương như bằng tốt nghiệp văn hóa phổ thông như trước đây. “Vì nếu không tương đồng mà chỉ có giá trị học liên thông thì ngay cả phụ huynh cũng không muốn cho con em mình vào các trường văn hóa nghệ thuật học”, ông Trần Văn Nam chia sẻ.
           
Nhiều trường cũng kiến nghị cần có cơ chế, chính sách phù hợp ở một số ngành đào tạo văn hóa nghệ thuật đặc thù; thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đẩy mạnh công đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; khắc phục tình trạng liên thông trong đào tạo nghề ở Trung cấp có nhưng khi lên Cao đẳng thì không… Theo bà Tống Quý Phương, giảng viên Khoa Thanh nhạc Trường Cao đẳng Bình Định, đây là thời điểm khó khăn nhất và cũng là “nút thắt” khiến cho các trường, trong đó có Trường Cao đẳng Bình Định sau khi sáp nhập thì việc tuyển sinh ngày càng thấp và nhiều giáo viên rời bục giảng để tìm kiếm việc làm khác.
           
Tử những khó khăn chung, Thạc sĩ Dương Minh Ánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để giúp các trường và ngành văn hoá nghệ thuật Việt Nam giữ gìn, bảo tồn và phát triển hoạt động đào tạo văn hóa nghệ thuật. Các cấp bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương cần khảo sát, đánh giá từ thực tiễn các trường về tâm tư, nguyện vọng của giáo viên; thực hiện khảo sát công tác tuyển sinh, nội dung giảng dạy, chất lượng đào tạo để tìm lối ra cho hoạt động này.

Các trường thuộc địa phương và các trường thuộc bộ cần có sự thống nhất chung về định mức đào tạo, chi phí cho công tác đào tạo, học phí.... “Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội hiện đã tự chủ được 35% và tiếp tục nâng dần mức tự chủ đạt 100%. Tuy nhiên, tự chủ không chỉ là Nhà nước buông tay mà nên tham gia hỗ trợ ở một góc độ nào đó như cơ chế đặt hàng đào tạo; các bộ, ngành cần quan tâm hỗ trợ, định hướng các trường thực hiện các dự án đào tạo tài năng phục vụ cho đất nước”, Thạc sĩ Dương Minh Ánh nhấn mạnh.
           
Đánh giá cao nội dung của buổi tại tọa đàm, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, những khó khăn, vướng mắc của các trường văn hóa nghệ thuật, nhất là vấn đề về tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm, công tác quản lý, cơ chế tự chủ sẽ được bộ, ngành Trung ương xem xét một cách nghiêm túc. Khẳng định lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là mặt trận quan trọng để giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương; đây còn là nguồn bổ sung cho các hoạt động chuyên môn ở bộ, ngành Trung ương và địa phương.
           
Theo ông Tạ Quang Đông, trước mắt, các trường cần chú trọng xây dựng giáo trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, vận dụng các phương pháp đào tạo hiệu quả để xây dựng thương hiệu cho ngành. Nhà trường cũng cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm hướng đến các dự án đào tạo tài năng, cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước. Riêng vấn đề tự chủ tài chính, các trường có nhiều cách tiếp cận (gồm chính thức và không chính thức). Do chưa có nghiên cứu đánh giá tổng thể nên các sở, ngành, địa phương cùng các trường cần vận dụng những điều kiện có và từ thực tiễn tại địa phương để sáp nhập nhưng phải đảm bảo phát triển nghề nghiệp, ngành văn hóa nghệ thuật đạt được hiệu quả cao nhất./.

TTXVN/VNP


Top