Hơn 20 năm qua, người dân Thành phố Hồ Chí Minh không còn lạ với hình ảnh người đàn ông có nước da ngăm đen, mái tóc chấm ngang vai đạp chiếc xe “cà tàng” chở những chiếc mặt nạ tuồng đủ hình hài, màu sắc, rong ruổi khắp các con phố để rao bán. Những người mến chuộng gọi ông là “Bảy mặt nạ”, cái tên đời thường của "nghệ nhân đường phố" Nguyễn Văn Bảy.
Ông “Bảy mặt nạ” sinh ra và lớn lên ở xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, cái nôi của nghệ thuật hát bội Việt Nam. Vì thế, ngay từ tấm bé, ông đã say mê loại hình nghệ thuật trình diễn đầy tính ước lệ này, hễ ở đâu có biểu diễn hát bội, ông lại trốn gia đình tới đó xem. Nhiều lần trốn đi, mặc dù biết khi về nhà sẽ bị cha đánh đòn, nhưng ông vẫn chấp nhận. Ông bảo: “Tuổi thơ tôi hòa cùng với nước mắt, lần nào đi xem hát bội cũng bị cha đánh đòn, nhưng vẫn ương bướng. Giờ nghĩ lại thấy nó đẹp quá...!”
Năm 1992 ông quyết định xin nghỉ việc tại một công ty sản xuất đồ mỹ nghệ của Đài Loan để ra mở một cửa hàng làm tượng hình người. Tượng không bán được, ông chuyển sang làm mặt nạ tuồng, không ngờ, hơn 20 tác phẩm đầu tay của ông bán hết chỉ trong vài ngày. Nhớ lại chuyện này, ông tâm sự: “Đó là cơ duyên đời người. Vì từ tấm bé cho đến giờ, chưa một giây phút nào tôi quên những gương mặt trên sân khấu hát bội ở quê nhà, kể cả khi vào quân đội hay những ngày đầu vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân. Chính tình yêu hát bội thôi thúc tôi làm ra những chiếc mặt nạ này...”.
Ông “Bảy mặt nạ” vẽ trang trí mặt nạ thô thành hình tượng nhân vật.
Ông Nguyễn Văn Bảy giới thiệu những chiếc mặt nạ hát bội của mình với khách hàng.
Hàng ngày, “Nghệ nhân đường phố” Nguyễn Văn Bảy vẫn đều đặn đạp xe từ nhà tới các con phố quen thuộc
ở Quận 1 và Quận 3 Tp. Hồ Chí Minh “rao bán” các sản phẩm của mình cho những ai yêu thích. |
Để làm ra những chiếc mặt nạ hát bội, thời gian đầu ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguyên liệu để làm khuôn, tạo hình khối cho những chiếc mặt nạ thô. Bởi theo ông: “Làm khuôn là khâu khó nhất, nếu khuôn làm không đúng hình tượng, hoặc chỉ chệch vài đường nét thôi sẽ không vẽ tạo hình được, ảnh hưởng rất lớn tới giá trị thẩm mỹ của chiếc mặt nạ”. Sau đó, ông Nguyễn Văn Bảy tìm ra phương thức đúc mặt nạ thô bằng khuôn thạch cao kết hợp với hỗn hợp silicon, còn nguyên liệu mặt nạ là hỗn hợp bột đá và polymer pha với tỷ lệ hợp lý.
Sau khi tạo hình khối cho những chiếc mặt nạ thô, ông miệt mài vẽ từng khuôn mặt bằng sơn dầu. Mỗi khuôn mặt ông sử dụng một gam màu riêng, phù hợp với sự biểu lộ cảm xúc của từng nhân vật. Đó có thể là vẻ mặt của người trung nghĩa, liêm chính, thiện, ác,...hoặc những xúc cảm hỷ, nộ, ái ,ố... Tuy không phải là một người được đào tạo chuyên nghiệp về hội họa nhưng những khuôn mặt ông vẽ rất đa dạng, sống động và mang giá trị thẩm mỹ cao. Ông giải thích: “Với những nhân vật trung quân, nụ cười phải nhân hậu, ánh mắt phải có thần. Còn với kẻ gian thần, phản bội thì ánh mắt lúc nào cũng lấm lét, miệng cong cớn. Dễ nhất là vẽ khuôn mặt hề bởi chỉ cần “chấm phẩy” vài nét cọ ở trên má, môi hoặc trên mũi đã thể hiện vẻ hóm hỉnh của nhân vật rồi...” Ông làm mặt nạ nhiều nhất là hình tượng Bao Thanh Thiên, Quan Công, Tào Tháo, Tiết Cương, Trịnh Ân, Đức Phật, Bồ Tát...Ngoài ra, ông còn làm mặt nạ mang hình tượng người da đỏ, người Ai cập cổ, Ả Rập...
Mỗi sáng ông “Bảy mặt nạ” vẫn đều đặn đạp xe trên những con đường quen thuộc của thành phố Hồ Chí Minh như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, Trương Định ... để “phục vụ” du khách nước ngoài, sinh viên các trường mỹ thuật và những ai yêu thích nghệ thuật tuồng.
Khi ánh nắng ban chiều vẫn còn chói chang, ông lại “lóc cóc” đạp xe trở về nhà để chuẩn bị làm những chiếc mặt nạ mới.
Cứ thế, ông trở thành người thầm lặng lưu giữ cho đời những nét đặc trưng của tuồng, một loại hình nghệ thuật trình diễn cổ truyền của Việt Nam./.
Một số tác phẩm mặt nạ tiêu biểu của nghệ nhân “Bảy mặt nạ”:
|
Bài: Đỗ Văn - Ảnh: Nguyễn Luân