Tin tức

Nga: Việt Nam là nhân tố quan trọng trong ASEAN

Quang cảnh Toạ đàm. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)
Ngày 25/4, Viện Kinh tế và Quản lý hành chính công trực thuộc tổng thống Nga đã phối hợp với Quỹ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á-Âu” tổ chức buổi tọa đàm chuyên gia với chủ đề “Sự tăng cường của Nga trong ASEAN,” nhân Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 32 đang diễn ra tại Singapore.

Tham dự tọa đàm có hơn 20 đại biểu là đại diện các cơ quan, giới doanh nghiệp, giới chuyên gia Nga chuyên nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực hợp tác với ASEAN, cùng một số cơ quan truyền thông Nga.

Các đại biểu đã cùng thảo luận, đánh giá, phân tích về nhiều vấn đề trong hợp tác giữa Nga và các quốc gia ASEAN như hiệu quả của chính sách hướng Đông của Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây; vai trò của các dự án kinh tế châu Á đối với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu; các vấn đề về kinh tế số, công nghệ, đầu tư, sáng tạo của các nước ASEAN; những vấn đề an ninh chưa được giải quyết ở Đông Nam Á...

Đa phần các bài phát biểu đều khẳng định Việt Nam là nhân tố đi đầu trong ASEAN ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa... Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á-Âu,” ông Grigory Trofimchuk, nhấn mạnh đối với Liên bang Nga, Việt Nam với tư cách là quốc gia duy nhất trong ASEAN ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, sẽ là cầu nối quan trọng để Moskva tăng cường hội nhập vào ASEAN, qua đó góp phần phá vỡ thế bao vây, cấm vận của phương Tây.

Về phần mình, bà Akiko Sato, trưởng phòng tài chính một công ty Nhật Bản hoạt động tại Moskva kiêm giảng viên kinh tế của Viện Kinh tế và Quản lý hành chính công, đã đề xuất thực hiện một loạt dự án hợp tác chung giữa tam giác đối tác Nga-Nhật Bản-Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, bởi tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam với tốc độ tăng trưởng khoảng 6-7%. Theo bà Akiko, Việt Nam đang tích cực tìm cách thay thế nguồn năng lượng truyền thống và điều này sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp.

Kết thúc tọa đàm, các đại biểu đều nhất trí cao với kết luận: Đối thoại giữa Nga và ASEAN là điển hình cho sự hợp tác bền vững và hiệu quả ở cấp độ quốc tế, là hình mẫu cho các mối quan hệ hợp tác khác trên toàn thế giới; Nga cần thúc đẩy chính sách hướng Đông, tận dụng quan hệ lịch sử và chú ý nhiều hơn tới sáng kiến của các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam để vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Nga; Quan hệ Nga-Việt Nam không chỉ là cầu nối Á-Âu đi vào khu vực Đông Nam Á, mà còn là hình mẫu trong hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học-kỹ thuật và sáng tạo song phương; Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu của ASEAN, có nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế để phát triển khu vực này, đưa ASEAN ngày càng có vị thế trên thế giới; Quan điểm của Liên bang Nga về xung đột trên Biển Đông không thay đổi, cần phải giải quyết bằng con đường ngoại giao hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982.

Kết luận nêu trên sẽ được Ban tổ chức tọa đàm gửi đến các cơ quan chức năng về hợp tác Nga-ASEAN, cộng đồng chuyên gia Nga và đăng tải trên các phương tiện truyền thông Nga./.

TTXVN/VNP


Top