Tin tức

Lễ hội đua thuyền đuôi én - không gian văn hóa đậm đặc nét Thái cổ ở Mường Lay


Nghi thức tế lễ thần sông trên lòng hồ thủy điện Sơn La (địa phận thuộc thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên).
Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN
Nằm phía bắc của tỉnh Điện Biên, thị xã Mường Lay là nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Điện Biên - Lai Châu. Nhắc đến Mường Lay, người ta nghĩ ngay đến một thị xã có diện tích nhỏ nhất so với các thị xã khác trên toàn quốc với địa giới hành chính gồm 2 phường và 1 xã. Mường Lay nằm gọn trong một thung lũng hẹp, dài, vùng ngã ba sông- nơi hội tụ, hợp lưu của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Trong tiến trình phát triển lâu dài, với đặc trưng đa dạng dân tộc, thị xã Mường Lay được xem là cái nôi, trung tâm văn hóa của người Thái, ngành Thái trắng vùng Tây Bắc.

Đặc biệt hơn, hiện nay, Mường Lay còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử truyền thống, trong đó phải kể đến các lễ hội đặc trưng, mang tính nhận diện văn hóa của người Thái trắng, như: Lễ Kin Pang Then, nghệ thuật Xòe Thái cổ, Lễ hội đua thuyền đuôi én…

Bao đời nay, tập quán sinh sống của bà con người Thái trắng gắn bó với nhịp chèo trên dòng sông Đà. Lễ hội đua thuyền đuôi én có nguồn gốc hình thành từ trong quá trình lao động môi trường mưu sinh trên sông nước của người Thái trắng, đồng thời gắn với tín ngưỡng cầu mùa, cầu mưa của người Thái trắng trong việc chinh phục, chế ngự những thác ghềnh, sóng dữ trên dòng sông Đà. Lễ hội đua thuyền đuôi én truyền thống tổ chức vào ngày đầu năm để khai thông sông rạch với ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa.

Lễ hội đua thuyền đuôi én truyền thống của dân tộc Thái trắng Mường Lay được chính quyền địa phương phục dựng thành công, tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015; từ đó, thông lệ đầu năm, lễ hội đua thuyền đuôi én lại được tổ chức, trở thành hoạt động thể thao, vui chơi của nhân dân. Thông qua lễ hội, người Thái cùng các cộng đồng dân tộc khác sinh sống trên địa bàn thêm lạc quan, yêu đời hơn, tình đoàn kết bản làng càng bền chặt. Đây cũng là dịp để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.

Theo những già làng trong các phường Sông Đà, Lay Nưa cho biết, để tham gia vào việc đóng thuyền đua, chỉ những người có tay nghề tốt mới được lựa chọn. Những thành viên tham gia trực tiếp đua là những người đàn ông, thanh niên có sức khỏe được lựa chọn rất kỹ càng. Ngay cả hình thức, hoa văn trang trí trên mỗi con thuyền đua cũng được tác tạo theo nguyên mẫu của các già làng thuộc những gia đình có truyền thống làm nghề chài lưới. Các đội đua phải tập rượt, tập luyện, rèn sức khỏe trước đó cả tháng trời.

Thị xã Mường Lay gây sức hút mạnh đối với du khách là vào mùa Xuân. Lúc này, khắp bản làng của thị xã đã rộn ràng điệu xòe, điệu sạp theo nhịp trống chiêng vang xa. Đây cũng là thời điểm lòng hồ của thị xã mênh mông sóng nước, những căn nhà sàn mái lợp ngói đá ngũ sắc nằm dọc ven lòng hồ hiền hòa, thơ mộng càng bảng lảng trong mây khói, sương mờ.  Đến Mường Lay dịp mùa Xuân, du khách cũng sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa đậm đặc nét Thái cổ trong các lễ hội đặc trưng, mang tính nhận diện văn hóa của người Thái trắng.

Từ vùng đất từng bị thiên tai tàn phá, cuộc sống mưu sinh vất vả, đến công cuộc di dân nhường đất cho lòng hồ Thủy điện Sơn La; cùng đó, trước xu thế hòa nhập nên nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Mường Lay đã phần nào bị mai một. Nhưng vượt qua tất cả, bên dòng Đà giang thơ mộng, một thị xã bé nhỏ với một cảnh quan du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn vẫn là “vỉa trầm tích” tiềm chứa những giá trị văn hóa vật thể, vật chất, tinh thần độc đáo của người Thái trắng Tây Bắc./.

TTXVN/VNP


Top