Khám phá

Lễ Cầu mùa của người Khơ Mú

Vừa qua tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Khơ Mú ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã giới thiệu với du khách Lễ hội cầu mùa (hay còn gọi là Lễ Pa Sưm). 
Lễ hội Cầu mùa là một trong những lễ hội lớn trong hệ thống các lễ tục nông nghiệp của đồng bào Khơ Mú. Đây là nghi thức đồng bào Khơ Mú cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh phù hộ cho một năm làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt.

Ông Vi Văn Ly người tham gia thực hiện các nghi lễ chính tại lễ Cầu mùa cho biết, lễ Cầu mùa được tổ chức mỗi năm một lần, đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của người Khơ Mú, được diễn ra trong một ngày tùy vào điều kiện địa lý canh tác. Lễ Cầu mùa của bà con được tổ chức cho nhiều gia đình cùng khu vực trồng trọt hoặc có thể làm lễ chung cho cả bản.

Trước khi tổ chức lễ hội các gia đình sẽ họp bàn và thống nhất việc chọn ngày tổ chức lễ, chuẩn bị, phân công công việc, đóng góp các lễ vật cho buổi lễ. Thông thường được ấn định sau khi gieo trồng lúa khoảng 1 tháng.



Vòng bạc và vải vóc là những vật dụng không thể thiếu để dâng thần linh tại buổi lễ.


Lúa, ngô trang trí quanh giàn cúng với mong ước về một vụ mùa bội thu.


Thanh niên nam nữ tham gia chuẩn bị cho lễ Cầu mùa.



Dân làng đứng sau thày cúng tại thời điểm thực hiện nghi lễ cúng Cầu mùa.


Thày cúng thực hiện nghi lễ cúng.


Niềm vui sau khi thầy cúng gieo quẻ xin thần linh che chở, phù hộ cho một vụ mùa bội thu, no ấm.



Lễ Cầu mùa của người Khơ Mú nhằm cầu mong các vị thần che chở,
ban cho một vụ mới cây lúa luôn xanh tốt. sâu bọ không phá hoại để mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Đến ngày làm lễ, sáng sớm mọi người tham gia sẽ có mặt đông đủ tại mảnh nương nơi sẽ diễn ra lễ cúng. Người ta sẽ dựng một giàn đặt đồ lễ, được dựng bằng 4 cột tre, các xà nối và phên đan cũng làm bằng tre. Đồ lễ dâng thần linh thường có bạc nén, vòng tay, vải vóc, rượu cần.. lễ vật càng to càng thể hiện quy mô của lễ hội cũng như sự sung túc của bà con dân bản. Trên mâm cúng nhất định phải có thịt  lợn, gà, cơm, xôi … Ngoài ra còn có ngô, khoai, sắn với  ý nghĩa từ nay trở đi chỉ có no đủ cơm xôi, không phải ăn ngô, ăn sắn, ăn khoai nữa.

Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, thầy cúng trong trang phục truyền thống sẽ kính cẩn thắp một cây nến sáp ong đặt lên mâm lễ, rót rượu vào hai chén và ra hiệu cho những người phụ lễ tiến hành cắt tiết lợn, gà rồi lấy tiết bôi lên những tấm phên đan. Những tấm phên này sẽ được cắm che chắn hai bên giàn lễ. Theo quan niệm của người Khơ Mú, tấm phên sẽ ngăn chặn tà ma không được mời gọi đến nơi đây. Tiếp đó thầy cúng sẽ đọc bài khấn mời thần linh về với lễ Cầu mùa. Khấn xong, thày cúng giao cho phụ lễ mang lợn, gà ra chế biến, nấu chín. Đồ lễ sau khi đã được nấu chín, thầy cúng sẽ tự tay bày lại giàn cúng. Sau đó tất cả mọi người tham gia sẽ đứng tập trung phía sau để cùng thực hiện nghi thức chính. Mọi người sẽ nghe thày cúng cầu khấn với nội dung ca ngợi, ghi ơn những vị thần của người Khơ Mú và cầu xin các vị thần che chở, ban cho một vụ mới cây lúa luôn xanh tốt, sâu bọ không phá hoại để cuối mùa bội thu, nhà nhà no ấm.

Ngay sau phần lễ kết thúc là tiếng chiêng, tiếng trống vang lên, mở đầu cho phần hội tưng bừng, vui tươi với các hoạt động nhảy múa, uống rượu cần, hát tơm…Mọi người vui vẻ cùng chúc nhau mạnh khỏe, vạn sự tốt lành và tin tưởng sẽ có một mùa vụ bội thu, cuộc sống no đủ./.



Sau các nghi thức cúng linh thiêng, người ta đánh chiêng, trống mở đầu cho phần hội.


Người Khơ Mú tái hiện phương thức canh tác.


Người Khơ Mú tái hiện phương thức gieo hạt, trồng cấy.


Những cô gái Khơ Mú vui mừng múa hát.


Mọi người cùng thưởng thức rượu cần trong ngày hội. Thường mọi người sẽ chia đồ cúng
và cũng ăn uống hết ngay tại không gian tổ chức buổi lễ, không mang đồ ăn về nhà.


Niềm vui của cô gái Khơ Mú trong lễ Cầu mùa.

Bài và ảnh: Việt Cường

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top