Tin tức

Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ấn Độ

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, chiều 17/5 tại Viện Khoa học Xã hội Ấn Độ (ISS), Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc ISS đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trang trọng tổ chức chương trình Kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 –19/5/2019), người bạn lớn của Ấn Độ. Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đang gia tăng hợp tác trong những năm qua. 

Chương trình kỷ niệm lồng ghép các hoạt động bao gồm tọa đàm về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cống hiến của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam cũng như thế giới; các hoạt động trưng bày sách, ảnh và khai trương Góc Hồ Chí Minh tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam.

Tham dự sự kiện có bà Preeti Saran (Pre-ti Xa-ran) - cựu Bí thư Phương Đông, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; Đại sứ Lào tại Ấn Độ Bouneme Chouanhom (Buôn-êm Chuân-hôm); Tiến sĩ George Mathew (Gioóc Mét-thiu), Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Ấn Độ; Tiến sĩ Rajaram Panda (Ra-gia-ram Pan-đa), nghiên cứu viên cao cấp của Hạ viện Ấn Độ cùng đông đảo các học giả và cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh sự kiện này mang ý nghĩa to lớn để tôn vinh và để bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất”; góp phần khắc sâu và thực hiện hiệu quả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Sonu Trivedi (Xô-nu Tri-ve-đi), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, nhận định mối liên kết về lịch sử và triết lý Phật giáo cũng như những sự hợp tác giữa hai nước trong nhiều năm qua đã đưa Ấn Độ và Việt Nam xích lại gần và gắn bó với nhau. Bà nêu bật vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, truyền cảm hứng cho không chỉ dân tộc Việt Nam mà cả toàn thế giới trong công cuộc chống các lực lượng đế quốc và giải phóng dân tộc. 

Cũng tại buổi tọa đàm, các diễn giả đánh giá cao những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, cũng như vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru (Gia-oa-hắc-lan Nê-ru) trong việc đặt nền móng cho quan hệ hai nước.

Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Sanh Châu trao tặng Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru được chụp cách đây hơn 60 năm nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ vào năm 1958. Sau chương trình tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cùng các quan khách đã cắt băng khánh thành Góc Hồ Chí Minh tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam./. 


TTXVN/VNP

UNESCO đồng hành với Ninh Bình trong phát huy giá trị di sản

UNESCO đồng hành với Ninh Bình trong phát huy giá trị di sản

Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Top