Tin tức

Khai mạc triển lãm Giao điểm thảm họa

Khán giả tham quan triển lãm “Giao điểm thảm họa”. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Tối 13/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Giao điểm thảm họa” của nghệ sỹ François Andes, Giám tuyển bởi nghệ sỹ Luiz Gustavo Carvalho.

Triển lãm gồm tổ hợp các tác phẩm: Tranh vẽ, hoạt hình, tượng, trang phục, mặt nạ và các bản nhạc được sắp đặt theo một trình tự với trung tâm triển lãm là dòng chảy băng qua các vùng lãnh thổ với nhiều nền văn hóa khác nhau. Các tác phẩm làm rõ hơn sự tương đồng và tính nguyên hợp được thể hiện ở những hình ảnh các nam thần và nữ thần gắn liền với dòng nước và rừng rậm trong các nền văn hóa trên khắp thế giới.

Theo Viện Pháp tại Việt Nam, những dòng sông và cánh rừng trong triển lãm còn phản ánh ranh giới giữa vùng hoang dã và thế giới con người, vùng đất riêng của Artemis trong thần thoại Hy Lạp, Oxum trong văn hóa Yoruba và các mẫu thần ở Việt Nam.

Bà Fréderique Horn, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam cho rằng: Các tác phẩm của nghệ sỹ François Andes còn thể hiện những thay đổi và xáo trộn của tự nhiên trước những hành vi của con người trên trái đất. Sự hủy diệt các khu vực tự nhiên như: Nạn phá rừng, đại dương, ô nhiễm khí quyển, nguồn nước, khai thác quá mức tài nguyên đã làm thay đổi trái đất và có thể dẫn dắt đến việc ra đời của các nhân vật thần thoại mới...

Theo nghệ sỹ Luiz Gustavo Carvalho, Giám tuyển triển lãm, "Giao điểm thảm họa” là chuỗi những tác phẩm chất vấn sự biến hóa của các mối quan hệ với thiên nhiên được duy trì bởi con người, bắt nguồn từ sự khám phá những cảnh quan mới cũng như hồi tưởng của tác giả sau những lần đến Việt Nam. Một dòng chảy giữa cõi sống và cõi chết, từ thế giới cũ đến thế giới mới, thế giới của sự khám phá vô tận, thường đem bên mình cội nguồn sự sống và có khả năng cảm hóa những vùng lãnh thổ kém thân thiện nhất.

Nghệ sỹ François Andes đem đến một câu chuyện ngụ ngôn tưởng tượng về loài vật rất đa dạng và hấp dẫn, tràn ngập những giấc mơ, những khó khăn và những biểu tượng tổ tiên từ nhiều thần thoại khác nhau. Các nhân vật chính trong triển lãm mang màu sắc cổ xưa và vô tận, cho thấy những gì tồn tại càng lâu sẽ càng đến gần hơn với cái chết. Những quái vật và thần thánh dưới dạng thú hóa người này sẵn sàng đương đầu với chiến tranh, biến cố hay sự im lặng cũng như tình yêu, nhằm hé lộ những biến chất của ham muốn và lo âu. “Nghệ sĩ François Andes buộc chúng ta phải nhìn xung quanh và tập trung vào những sinh vật đang sinh sôi trong các quán rượu, doanh trại, nhà thổ, các cuộc họp điều hành và các cuộc tranh luận chính trị...”, nghệ sỹ Luiz Gustavo Carvalho nhận định.

Tham quan triển lãm, họa sĩ trẻ Thương Thanh Huỳnh cho rằng các tác phẩm và cách sắp đặt của nghệ sĩ François Andes chứa nhiều ẩn dụ, nội dung khác nhau. Cái hay của họa sỹ là nhiều tác phẩm sử dụng chất liệu giấy dó truyền thống của Việt Nam kết hợp với màu của Hàn Quốc thể hiện sự mạnh mẽ trong từng tác phẩm.

Nghệ sỹ François Andes dùng tranh vẽ để tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề tâm lý từ cội rễ; một cái nhìn sâu sắc hơn vào các mối quan hệ của con người như: Tình yêu trong thù hận, tự do trong tình yêu, niềm vui trong tự do. Nghệ thuật của François Andes còn là bằng chứng như: Chiếc xe tăng rùa, người lính rùa, ngôi nhà rùa, một dạ con rùa; con vật huyền thoại và linh thiêng trong văn hóa Việt Nam…

Theo nghệ sỹ François Andes, triển lãm nhằm tìm lời giải những điều thiết yếu trong nhân sinh khi đối diện với bức tường khắc câu châm ngôn Vigilia Pretium Libertatis (câu châm ngôn “Cảnh giác là cái giá của sự tự do”); mọi người suy nghĩ gì khi tiến vào vào thế kỷ 21 cùng với những tác động hủy hoại môi trường và những hậu quả nghiêm trọng của nó?

Quá trình sáng tạo của François Andes và Giám tuyển của Luiz Gustavo Carvalho đan kết hàng loạt những đức tin để đưa ra câu hỏi về sự tiến hóa trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, đặc biệt là với các hệ sinh thái thủy sinh và rừng rậm, tìm kiếm manh mối giữa vô số những câu chuyện thần thoại để thay đổi thực tại hoặc ít nhất là có thể băng qua nó…

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 28/3/2020, tại Galerie Quỳnh, Quận 1./.

TTXVN/VNP


Top