Tin tức

Kết nối du lịch Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng bằng sông Cửu Long

Các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN
Chiều 4/9, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội thảo kết nối phát triển sản phẩm du lịch và phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối du lịch Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức trong hai ngày 4-5/9.

Tại hội thảo, ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Du lịch lữ hành Saigontourist cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long luôn là thị trường trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh doanh của hầu hết đơn vị lữ hành, du lịch trên cả nước. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch với loại hình du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn, du lịch biển… thu hút du khách Việt Nam và quốc tế. Hệ sinh thái đa dạng, sản vật địa phương phong phú và đặc sắc trong khai thác ẩm thực địa phương. Tuy nhiên, những thách thức trong phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long là cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở lưu trú không đồng đều, dịch vụ từ ba sao trở lên còn thiếu, nên việc liên kết sản phẩm liên tuyến của doanh nghiệp lữ hành còn khó khăn.

Hiện nay, những điểm tham quan, vui chơi giải trí tại điểm đến Đồng bằng sông Cửu Long không có sự khác biệt rõ nét, sản phẩm phục vụ du lịch bị trùng lặp, sao chép… Cùng với đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu ở một số địa phương do chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Theo các chuyên gia, muốn giải quyết những rào cản trong phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cần giải pháp về “Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trong đó, các địa phương tập trung phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản sạch; đồng thời, khai thác thế mạnh ẩm thực địa phương, món ăn miệt vườn, dân dã được chế biến từ nguồn nông thủy sản địa phương. Đặc biệt, các địa phương chú trọng phát huy những lợi thế kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, tạo nên chuỗi sản phẩm dịch vụ lữ hành đa dạng, độc đáo tại khu vực này.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nêu rõ: Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò, vị trí quan trọng đối với vùng Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Dù vậy, những lợi thế, tiềm năng du lịch đó lại chưa phát huy hết hiệu quả và chưa đạt được kết quả tương xứng, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong cụm, trong vùng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, chưa bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Điều này dẫn đến lượng khách quốc tế đến Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp so với các địa phương khác và tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn khách nội địa. Do đó, cần  có những định hướng, giải pháp kết nối về các nguồn lực, sản phẩm để cho từng tỉnh trong Đồng bằng sông Cửu Long có thể phát huy và khai thác hết các tiềm năng, tài nguyên du lịch của tỉnh và các khu vực

Nếu tính chung dân số của 14 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thì bình quân một năm mỗi người dân trong vùng chỉ đón khoảng 2,8 lượt khách, trong đó chỉ có 0,39 lượt khách quốc tế; con số này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của cả vùng. Ngoài ra, mức tăng trưởng còn có sự chênh lệch giữa các địa phương trong khu vực do thiếu cơ sở hạ tầng và nhiều dự án giao thông kết nối vẫn bị "treo" vô thời hạn, thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng văn hoá, giải trí, du lịch ở 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long để làm mới sản phẩm. Các địa phương chưa có cơ chế điều phối vùng nhằm lựa chọn, cũng như đề xuất được những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông, văn hóa, giải trí… để tác động đến sự phát triển du lịch liên vùng.

Cộng đồng doanh nghiệp, công ty lữ hành cho rằng cần kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan chức năng, mở ra những cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế du lịch lớn. Tuy nhiên, nhiều đơn vị trăn trở về việc bảo vệ môi trường ở miền Tây để hướng đến phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới. Mỗi tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đều có những điểm khác biệt nên các địa phương có trách nhiệm làm nổi bật đặc thù du lịch địa phương. Trong đó, muốn giải quyết vấn đề sản phẩm du lịch giống nhau giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thì chính quyền địa phương cần thu hút nguồn vốn đầu tư để làm đậm nét đặc trưng và khai thác hiệu quả những sản phẩm du lịch độc đáo và mới mẻ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đặt ra vấn đề: Để du khách trong và ngoài nước đến 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long với những nét đặc trưng riêng của mỗi địa phương chứ không phải chỉ đến một “miền Tây” chung chung thì ngành du lịch các địa phương phải tập trung khai thác yếu tố bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch./.

TTXVN/VNP


Top