Tin tức

Đồng bào Khmer Sóc Trăng đón lễ Sene Đônta trong niềm vui phát triển

Dâng cơm lên sư sãi để hồi hướng quả phúc đến ông bà tổ tiên là một hoạt động chính trong ngày lễ Sene Dolta. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN
Đồng bào Khmer Nam bộ nói chung đang bước vào những ngày lễ chính của lễ Sene Đônta (Cúng Ông bà) truyền thống với niềm hân hoan, vui tươi và phát triển. Hòa chung không khí chung của ngày lễ, hơn 400 nghìn đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng cũng đón ngày lễ lớn của dân tộc với nhiều hoạt động, cùng niềm tin phát triển. Lễ Sene Đônta của đồng bào Khmer năm nay diễn ra trong 2 ngày chính là 28 và 29/9, cũng rơi vào 2 ngày cuối tuần nên mọi hoạt động thăm, chúc, tổ chức có phần vui hơn mọi năm.

Trước và trong những ngày lễ chính, khắp các phum sóc Khmer cũng đang bước vào vụ thu hoạch lúa. Vụ mùa năm nay, dù ảnh hưởng của thời tiết bất thường, năng suất tuy có giảm hơn so với các năm trước, nhưng tựu chung, bà con Khmer vẫn thu được mức lãi tương đối cao nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, giảm giá thành, nên mức thu nhập từ vụ mùa vẫn ổn định. Vừa xong vụ thu hoạch, bà con đã chuẩn bị nhà cửa tươm tất để đón lễ Sene Đônta.

Năm nay, gia đình ông Sơn Sóc ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên cũng đón ngày lễ Sene Đônta theo đúng truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Ông Sơn Sóc cho biết, trước ngày lễ chính vài hôm, gia đình ông đã trang hoàng lại nhà cửa, con cháu tề tựu nhau để gói bánh Tét nhằm dâng lên sư sãi để hồi hướng quả phúc đến ông bà, tổ tiên. Theo ông thì để có một mùa lễ Sene Đônta đầy đủ và tươm tất thì việc gói bánh Tét cũng là một phần không thể thiếu của mùa lễ Sene Đônta. Việc gói bánh Tét vừa thể hiện tính nhân văn, sự hiếu kính của con cháu đối với bậc gia tiên trong mùa lễ mà việc gói bánh còn thể hiện cho sự no đủ, phát triển của gia hộ trong mùa lễ Sene Đônta.

Theo Thượng tọa Trần Văn Tha, Trụ trì chùa Tà Mơn, huyện Trần Đề thì nhờ sự đầu tư nhanh, mạnh và có chiều sâu của Đảng và Nhà nước thông qua nhiều chương trình, chính sách, dự án…đã giúp cho đời sống của đồng bào Khmer tại các phum sóc thay đổi rõ rệt. Thượng tọa Trần Văn Tha khẳng định: “Sư sãi, tri thức và đồng bào Phật tử Khmer luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; luôn nỗ lực chung tay củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt là đồng bào Phật tử Khmer luôn chung sức, chung lòng cùng chính quyền các cấp trong phong trào xây dựng nông thôn mới để các phum, sóc Khmer trên địa bàn tỉnh được khoác lên mình một diện mạo mới, khang trang, giàu đẹp và phát triển”.

Ông Lâm Sách, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm nay, đồng bào Khmer trong tỉnh đón một mùa lễ Sene Đônta mang đậm tính truyền thống, thắm tình đoàn kết và vui tươi. Có thể nói, năm nay, đồng bào Khmer đón lễ có phần phấn khởi hơn các năm trước nhiều địa phương có đông đồng bào Khmer đã vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm xuống nhanh chóng, hộ khá giả ngày càng nhiều hơn; nông sản cũng được giá nhờ hệ thống giao thông được kiện toàn và hoàn chỉnh giúp việc giao thương được nhanh chóng, thuận lợi. Đặc biệt là trình độ dân trí tại vùng đồng bào dân tộc ngày càng được nâng cao, nguồn cán bộ là người dân tộc ngày càng tăng lên đã và đang góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền và đưa các chính sách đến với đồng bào một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và thiết thực nhất.

Năm nay, đồng bào Khmer ở huyện Mỹ Xuyên đón mùa lễ Sene Đônta trong niềm vui được nhân lên gấp bội. Bởi, Mỹ Xuyên dù địa phương có đông đồng bào của tỉnh với hơn 33% dân số toàn huyện, tuy nhiên, đây lại là huyện điểm nông thôn mới của tỉnh Sóc Trăng và trước mùa Sene Đônta truyền thống năm nay, Đảng bộ và chính quyền huyện này đã đón mừng về thành tích tất cả 10/10 xã của huyện đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Ông Đào Đắc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên chia sẻ, qua nhiều năm nỗ lực và được sự chung tay từ các cấp ủy, chính quyền và người dân, bộ mặt nông thôn mới của các xã đã chuyển biến rõ nét, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, kinh tế nông hộ ngày càng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ khoảng 26% của năm 2011 xuống còn khoảng 4%, đặc biệt là mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt 42,5 triệu đồng/năm, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2011.

Cũng trong ngày 28/9, tại chùa Moni Sras Keo huyện Thạnh Trị, tỉnh  Sóc Trăng cũng đã tổ chức lễ mừng Sene Đônta năm 2019 và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh-Truyền hình Sóc Trăng với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào; đồng thời, cũng kết hợp với việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của đảng và Nhà nước tới đồng bào. Đây cũng là hoạt động hàng năm của tỉnh nhằm hỗ trợ đồng bào Khmer đón lễ Sene Đônta thêm vui tươi, phấn khởi, vững tin vào sự lãnh đạo của của Đảng và Nhà nước.
Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đến đồng bào Khmer như tổ chức thăm viếng, tặng quà tại 92 điểm chùa Khmer trong tỉnh; gặp gỡ, động viên, chúc mừng lễ đến người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, cán bộ lão thành, gia đình chính sách hưu trí người dân tộc tiêu biểu, hộ gia đình Khmer nghèo, khó khăn.

Lễ Sene Đônta của đồng bào Khmer Nam bộ còn có tên gọi khác là Phchum Ben, nghĩa là mùa tựu phúc đức, vì người Khmer xem đây là lễ lớn nhất trong các lễ tạo phúc đức với các nghi lễ chính như Cúng thỉnh bậc gia tiên tại gia, cúng tiễn gia tiên, đi chùa dâng cơm sư sãi…

Sene Đônta là một là một trong những lễ mang ý nghĩa lớn về lòng hiếu kính của con cháu, thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ đến công lao sinh thành,dưỡng dục của tổ tiên, ông bà và những người đã khuất. Đây là một trong 3 lễ truyền thống lớn của đồng bào Khmer Nam bộ (gồm Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đônta và lễ Ok Om Bok-lễ cúng Trăng)./.

TTXVN/VNP


Top