Tin tức

Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại các trạm y tế

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Mô hình bác sĩ gia đình tại các trạm y tế là một trong những nội dung được Bộ Y tế và lãnh đạo các địa phương đặc biệt quan tâm. Bởi vì mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, hiện đang được triển khai thí điểm và mở rộng ở các tỉnh, thành. Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn bó với dân và gần dân nhất. Do đó, các Sở Y tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại các trạm y tế. 

Đó là phát biểu của bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trong Hội nghị “Câu lạc bộ Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX năm 2019”, được tổ chức tại Cần Thơ ngày 24/8.

Chức năng của mô hình phòng khám bác sĩ gia đình kết hợp phần mềm quản lý sức khỏe cá nhân là khám chữa bệnh, quản lý, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe toàn diện cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; Sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh tật; Cung cấp thông tin liên quan đến sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình do bác sĩ gia đình quản lý sức khỏe quy định.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, do hạn chế về nguồn nhân lực, toàn thành phố chỉ có 106 bác sĩ y học gia đình, nên việc sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh tật hầu như chưa thực hiện được. Bên cạnh đó là hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại các trạm y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa khiến việc khám chữa bệnh và nhập liệu hồ sơ sức khỏe cá nhân chưa được như kỳ vọng.

Từ thực tế trên, Sở Y tế Cần Thơ đề xuất các giải pháp: Tăng cường đào tạo, chuyển gia kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại; Tăng cường giám sát, hướng dẫn các trạm y tế thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản, khuyến khích người dân đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế. 

Đồng quan điểm trên, đại diện Sở Y tế Cà Mau cho rằng, việc triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình kết hợp phần mềm quản lý sức khỏe cá nhân tại trạm y tế là xu hướng tất yếu trong điều kiện phát triển xã hội hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai còn nhiều "điểm nghẽn" cần sự chung tay xử lý của lãnh đạo các cấp và nguồn lực xã hội hóa.

Cụ thể, tại Cà Mau, trong quá trình triển khai đề án y tế cơ sở hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, trong đó ưu tiên cho nhóm đối tượng quản lý bệnh không lây nhiễm còn nhiều bất cập: Liên thông chuyển tuyến người bệnh mãn tính và người cao tuổi đăng ký bảo hiểm y tế từ các bệnh viện tỉnh về y tế xã, bảo hiểm xã hội chưa được chấp nhận thanh toán khi người bệnh đến trạm y tế tuyến xã khám bệnh và lập hồ sơ, mà phải có sự chuyển tuyến từ bệnh viện tỉnh về xã nên khó thực hiện. Hơn nữa, trạm y tế xã không chủ động được danh mục thuốc cũng như số lượng để ghi nhận lên phần mềm khám chữa bệnh.

Ngoài ra, trình độ tin học của cán bộ y tế xã còn nhiều hạn chế, thao tác với phần mềm còn lúng túng, chậm chạp. Khi cập nhật thông tin người dân lên phần mềm theo mã bảo hiểm y tế, còn có phần chênh lệch giữa người có bảo hiểm y tế/dân số…

Những "điểm nghẽn" về số lượng nhân sự, trình độ tin học, cơ sở vật chất, sự bất cập trong thanh toán bảo hiểm y tế… là bài toán chung mà ngành Y tế các tỉnh, thành khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải. Do đó, ý kiến đóng góp của hầu hết các lãnh đạo Sở Y tế đều mong muốn Bộ Y tế sớm ban hành bổ sung cụ thể giá và nguồn chi trả cho các dịch vụ cơ bản như: chi phí lập và theo dõi hồ sơ sức khỏe, quản lý sức khỏe người cao tuổi, vệ sinh môi trường…; bổ sung thêm nhân sự cho mảng bác sĩ gia đình, đặc biệt là nghiên cứu chế độ chính sách hợp lý để thu hút bác sĩ về công tác tại trạm y tế phường, xã; bố trí, phân bổ ngân sách để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế địa phương…/.

TTXVN/VNP

Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào

Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào

Sáng 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan về tình hình sản xuất, cung ứng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, nhất là vào tháng cao điểm tiêu thụ điện năm 2024 và những năm tiếp theo.

Top