Tin tức

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo nguyên tắc nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất


Tiêm vắc xin COVID -19 cho nhóm đối tượng mở rộng tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: AstraZeneca đã chuyển về Việt Nam thêm 1.209.400 liều vaccine phòng COVID-19. Đây là lần giao vaccine thứ 9 thuộc hợp đồng đặt mua trước, giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC), dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Hiện, thỏa thuận này đã mang về cho Việt Nam hơn 6,7 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Tổng cộng đã có khoảng 14,3 triệu liều vaccine này đã được chuyển đến Việt Nam qua hợp đồng với VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ giữa các Chính phủ, chiếm 62% nguồn cung vaccine COVID-19 trên cả nước đến nay.

Theo Bộ Y tế, đến ngày 19/8, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 22 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có hơn 14 triệu liều vaccine AstraZeneca; hơn 5 triệu liều Moderna; hơn 1,2 triệu liều Pfizer; 12.000 liều Sputnik-V và 2,5 triệu liều Sinopharm.

Đến sáng 20/8, tổng số liều vaccine đã được tiêm trên cả nước là 16.341.097 liều (theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19).

Bộ Y tế cho biết đã có văn bản về dự kiến phân bổ vaccine từ nay đến hết năm 2021 để các địa phương nắm được số lượng, lên phương án tiêm nhằm bảo đảm tiến độ, trong đó cần phải bảo đảm nguồn vaccine để những người đã tiêm mũi 1 khi đến thời hạn, được tiêm mũi 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Việt Nam phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo nguyên tắc nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất. Vừa qua, chúng ta cũng đã rà soát và điều chỉnh các quy trình khám sàng lọc, đối tượng tiêm cũng như thời gian chờ đợi sau tiêm để tạo thuận lợi cho người dân được tiêm chủng. Tại các điểm tiêm chủng, cần có sự tham gia của các ngành đoàn thể, đặc biệt huy động lực lượng đoàn thanh niên giúp tiếp đón, khai báo y tế và đăng ký tiêm chủng trên phần mềm tiêm chủng. Còn nhân viên y tế tập trung nhiệm vụ chuyên môn như khám sàng lọc, thực hiện tiêm và theo dõi sau tiêm…

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng và cung cấp với số lượng lớn tại Việt Nam để hỗ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia của Chính phủ và Bộ Y tế. Hiện tại, vaccine đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc sử dụng khẩn cấp tại hơn 80 quốc gia trên 6 lục địa.

Cho đến nay, AstraZeneca đã cung ứng hơn 1 tỷ liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford đến hơn 170 quốc gia trên tinh thần phi lợi nhuận.

Cam kết của AstraZeneca về việc cung cấp vaccine COVID-19 một cách rộng rãi và bình đẳng trên khắp thế giới được thể hiện rõ nét thông qua các đóng góp của công ty cho Cơ chế COVAX. AstraZeneca tham gia cơ chế chia sẻ vaccine quốc tế này vào tháng 6/2020 và tính đến nay đã cung cấp hơn 100 triệu liều vaccine thông qua COVAX.

Vaccine này đã được chứng minh là có hiệu quả 80-90% trong việc giảm tỉ lệ bệnh nặng và các trường hợp nhập viện, đồng thời, cũng đạt hiệu quả cao trong việc chống lại các biến chủng đáng lo ngại hiện nay, bao gồm cả chủng Beta và Delta./.

TTXVN/VNP

Đoàn kết phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể

Đoàn kết phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân các dân tộc khu dân cư khu 8, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Top