Hồ Tây nằm ở phía Tây Bắc Hà Nội, diện tích hơn 500ha, là hồ rộng nhất Thủ đô và là hồ tự nhiên có hình móng ngựa, các nhà khảo cổ học đã chứng minh hồ là đoạn sông Hồng cũ còn sót lại sau khi thay đổi dòng chảy. Đặc biệt, các con đường bao quanh Hồ Tây như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Thanh Niên, Thụy Khuê... từ xưa đã nổi tiếng với những làng nghề, làng hoa, cây cảnh nổi tiếng như Yên Thái, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân và nhiều di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Ngày nay, quanh Hồ Tây còn có thêm nhiều công trình văn hóa mới, hiện đại góp phần tô đẹp thêm cho cảnh sắc của Hà Nội.
Nằm ở phía Tây Hồ Tây, giữa vùng đất cổ thuộc tổng Bưởi (nay là phường Bưởi) có làng Võng Thị ẩn chứa nhiều nét nghề cổ xưa. Võng Thị ngày nay thanh bình với những con đường, ngõ nhỏ lát gạch cổ và tường gạch rêu phong. Các làng vùng Bưởi ven Hồ Tây hàng năm cứ tới ngày 16 tháng Ba âm lịch đều mở hội cúng Tổ nghề.
Từ khi nhà Lý (1010 - 1225) định đô Thăng Long vào thế kỉ XI, nhiều nghề thủ công xuất hiện và phát triển quanh vùng Hồ Tây. Công chúa Từ Hoa thời Lý (1010 - 1225) lập cung Thuý Hoa (sau trở thành chùa Kim Liên nổi tiếng) để trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Hay như Chùa Thiếu Niên ở Trích Sài là nơi cô gái Chăm Phan Thị Ngọc Đô gây dựng cơ sở đầu tiên của nghề dệt lĩnh. Đến thế kỉ XVIII qua "Tụng Tây Hồ phủ" cùng nhiều sử liệu xác nhận quanh vùng Hồ Tây có tới hơn 10 nghề thủ công truyền thống đặc sắc. Trong đó có nghề đúc đồng ở Ngũ Xã có từ thế kỉ XVII. Kĩ thuật đúc đồng Ngũ Xã đạt đến đỉnh cao tinh xảo với pho tượng đồng Trấn Vũ đúc năm 1667 cao 3,96m nặng 4 tấn.
Hồ Tây còn là danh thắng nổi tiếng từ ngàn xưa của đất Thăng Long. Con đường Cổ Ngư xưa nay là đường Thanh Niên quanh năm rợp mát khoe sắc muôn hoa với phượng đỏ rực và bằng lăng tím rực trời mùa hè, thoang thoảng hoa sữa và liễu buông rủ thướt tha độ đông về... Quanh hồ hiện có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di vật nổi tiếng: 102 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá...
Chùa Sải , một trong những di tích cổ ở khu vực Hồ Tây.
Chùa Vạn Niên có kiến trúc rất độc đáo.
Trong khuôn viên chùa Vạn Niên.
Chùa Trấn Quốc, một ngôi chùa cổ nổi tiếng nằm ngay bên bờ Hồ Tây.
Những pho tượng Phật thếp vàng lộng lẫy của chùa Trấn Quốc.
Phủ Tây Hồ nổi tiếng là chốn linh thiêng của Hà Nội.
Đền Quán Thánh, một trong "Thăng Long tứ trấn" nổi tiếng của đất Thăng Long - Hà Nội. |
Đền Quán Thánh ở ngay góc Tây Nam Hồ Tây, dựng từ thời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), là nơi thờ của đạo giáo, một trong "Thăng Long tứ trấn" nổi tiếng của đất Thăng Long - Hà Nội. Nơi đây nổi tiếng với pho tượng đồng đen khổng lồ Huyền Thiên Trấn Vũ có giá trị cao về nghệ thuật đúc đồng cách đây 3 thế kỉ.
Từ đền Quán Thánh ngược lên là tới chùa Trấn Vũ, xây dựng thời Lý Nam Đế (544 - 602) toạ lạc trên đảo Kim Ngư (cá vàng). Ngôi chùa này nổi tiếng nhất miền Bắc với lịch sử gần 150 năm, có nhiều di vật quý, kiến trúc cổ kính, cảnh sắc bốn mùa xanh tươi, nằm giữa bốn bề sóng nước mênh mông, nay là một trong những di tích nổi tiếng nhất của Hà Nội.
Rời chùa Trấn Quốc, du khách thăm Phủ Tây Hồ xây dựng cuối thế kỉ XVI. Phủ nằm ở phía Đông Hồ Tây, thuộc phường Quảng An, nơi đây thờ bà chúa Liễu Hạnh - một trong những đại diện của đạo Mẫu ở Việt Nam. Vào ngày rằm và mồng một hàng tháng, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên tiêu hàng năm, rất đông người từ khắp nơi tìm về Phủ Tây Hồ dâng hương cầu mong Thánh Mẫu ban cho cuộc sống may mắn, an lành./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ