Tin tức

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Toàn quyền Australia

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Toàn quyền Australia Peter Cosgrove.
(Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Toàn quyền Australia Peter Cosgrove và Phu nhân đã bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 23-26/5 nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018). 

Ngày 24/5, tại Phủ Chủ tịch, ngay sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Toàn quyền Australia Peter Cosgrove. 

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của quan hệ Việt Nam-Australia trong thời gian qua; đánh giá cao việc thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp, đặc biệt, riêng trong sáu tháng gần đây đã có bốn đoàn lãnh đạo cấp cao hai nước, thể hiện sự coi trọng của hai bên đối với việc củng cố tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau trong bối cảnh quan hệ hai nước được nâng tầm.
 
Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai rộng khắp các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, từ Trung ương đến địa phương, để tăng cường nhận thức của người dân hai nước, nhất là trong tầng lớp thanh niên, sinh viên, về quan hệ Việt Nam-Australia. 

Hai bên đánh giá hợp tác kinh tế-thương mại đạt được nhiều kết quả tích cực, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt gần 6,5 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông-thủy sản và hoa quả nhiệt đới Việt Nam bắt đầu chiếm tỷ trọng đáng kể; đầu tư của Australia đầu tư vào Việt Nam ở mức khá, với hơn 400 dự án và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, đứng 19/126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. 

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực hơn nữa để làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác trụ cột như an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, viện trợ phát triển...; làm đòn bẩy mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng khác. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai bên cần xem xét nghiêm túc các rào cản thương mại có thể ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của nhau, đối với Việt Nam là các sản phẩm nông-thủy sản; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực Australia có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như năng lượng, hạ tầng, viễn thông, tài chính-ngân hàng, khai khoáng, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, du lịch...

Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên khẳng định ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; phối hợp lập trường trong vấn đề Biển Đông; hợp tác chặt chẽ trong triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)./.
 
TTXVN/VNP


Top