Tiêu điểm

APPF 26 thảo luận về chính trị, an ninh, kinh tế và thương mại

Ngày 19/1, tại Hà Nội, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” bước vào ngày làm việc thứ hai, với 2 phiên họp. 
Tại phiên họp: Các vấn đề chính trị và an ninh, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới; đấu tranh phòng, chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia.

Tại phiên họp các vấn đề kinh tế và thương mại, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: Báo cáo kết quả Hội nghị APEC 2017; vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số.


Khai mạc Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương

Trước đó, đúng 18 giờ ngày 18/1, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội.



Tối 18/1/2018, Lễ khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF 26)
được tổ chức trọng thể tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch nước Trần Đại Quang;
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF 26 cùng nhiều đồng chí lãnh đạo,
nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu quốc tế tới dự. Ảnh: TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang (giữa); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF 26 (thứ hai từ phải sang)
và các đại biểu chủ trì phiên khai mạc APPF 26. Ảnh: Trọng Đức / TTXVN


Các đại biểu dự lễ khai mạc. Ảnh: Đình Nam


Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân,
Chủ tịch APPF 26 và các trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: Trọng Đức / TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF 26 đọc diễn văn khai mạc. Ảnh: Đình Nam


Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chào mừng. Ảnh: Doãn Tấn / TTXVN


Bà Jiko Luveni, Chủ tịch Quốc hội Fiji, Chủ nhà APPF 25 phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn / TTXVN.


Bà Gabriela Cuevas Barron, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn / TTXVN.



Tiết mục văn nghệ chào mừng tại lễ khai mạc APPF 26. Ảnh: Trọng Đức / TTXVN



Chiều 19/01/2018, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bà Gabriela Cuevas Barron,
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) nhân dịp sang dự Diễn đàn Liên minh nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF)
lần thứ 26. Ảnh: Nhan Sáng / TTXVN

Chủ trì lễ khai mạc có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26; Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Gabriela Cuevas Barron; Chủ tịch Quốc hội Fiji - Chủ nhà của APPF-25 - bà Jiko Luveni; Trưởng đoàn Nghị viện Nhật Bản - đại diện Chủ tịch danh dự APPF - ngài Takuji Yanagimoto.

Cùng tham dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị trong Đoàn ngoại giao, các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch cùng 21 Đoàn đại biểu nghị viện các nước thành viên APPF và các nước quan sát viên APPF. 

Phát biểu khai mạc APPF-26, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân chào mừng các đoàn đại biểu nghị viện thành viên và quan sát viên APPF, các vị khách mời tham dự APPF-26; bày tỏ vinh dự khi lần thứ hai Việt Nam được lựa chọn là nước chủ nhà của hội nghị APPF.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kể từ khi được thành lập với 15 thành viên sáng lập, APPF ngày nay đã phát triển và trở thành một diễn đàn quy tụ 27 nghị viện thành viên đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hơn 4,5 tỷ người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, kể từ khi thành lập, APPF không chỉ chứng kiến những sự thay đổi mang tính bước ngoặt của khu vực và thế giới, mà còn là một phần của những thay đổi đó. Diễn đàn đã khẳng định là một cơ chế đặc biệt, phát huy tâm huyết và trí tuệ của nghị sĩ Quốc hội các nước thành viên trong việc thúc đẩy xu thế đối thoại, hợp tác ở khu vực và trên thế giới, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đối thoại và hợp tác của APPF đã thúc đẩy hợp tác đa phương, đa tầng nấc nhằm xử lý các thách thức chung, nhất là trong việc thực hiện các cam kết của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và ứng phó với biến đối khí hậu.

“Chúng tôi đánh giá cao các nước thành viên APPF đã ủng hộ các nỗ lực của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở, kết nối toàn diện khu vực,” Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, ngày 19/1, tại Hà Nội, Phiên họp toàn thể đầu tiên về các vấn đề chính trị và an ninh đã diễn ra với sự tham dự đông đảo của các đại biểu đến từ các nghị viện thành viên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 thông báo nội dung về quyết định cuộc họp của Ban Chấp hành đã được các đại biểu thống nhất.


Sau Lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì Tiệc chiêu đãi chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị APPF-26 tại thủ đô Hà Nội
Phát biểu đề dẫn tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp hơn. Các nỗ lực hợp tác quốc tế tiếp tục được tăng cường. Việc sử dụng và nguy cơ sử dụng các loại vũ khí hủy diệt đang có xu hướng gia tăng. Các tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên, nguy cơ đối với tự do, an ninh và an toàn hàng hải vẫn tiếp diễn. Chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia gia tăng hoạt động ở khu vực. Bên cạnh đó là những thách thức về an ninh mạng, bất bình đẳng, di cư, dịch bệnh, những thiên tai khốc liệt chưa từng có... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia thành viên. Các thách thức lớn do các thành viên nêu ra tại Hội nghị năm 2017 vẫn chưa có giải pháp bàn bạc thống nhất, triệt để.

Tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận về các chủ đề: Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới; đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia.

Các tham luận tại phiên họp làm sâu sắc hơn các chủ đề nghị sự, trong đó có những vấn đề quan trọng, nổi bật liên quan đến hòa bình, an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương cần sự hợp tác của ngoại giao nghị viện, trong đó có những vấn đề như hợp tác an ninh hàng hải, an ninh mạng; chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.

Chiều 19/1, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) họp Phiên toàn thể thứ hai về các vấn đề kinh tế và thương mại, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Tổ chức APPF-26.

Phát biểu đề dẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của các phiên thảo luận toàn thể về chính trị và an ninh, kinh tế và thương mại, hợp tác phát triển kinh tế khu vực. Đây là những vấn đề mang tính thời sự, có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động qua lại và gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo nền tảng phát triển bền vững hơn trong khu vực theo tinh thần chủ đề hội nghị: “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững.”

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, trong hơn nửa thế kỷ qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực của kinh tế thế giới, một phần chính là nhờ hợp tác liên kết kinh tế sâu rộng và tận dụng được những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là vai trò quan trọng của khu vực nông nghiệp và hệ thống doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Trong bối cảnh thách thức trước sự nổi lên của xu hướng bảo hộ cùng những quan điểm khác biệt về hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng tăng, hợp tác liên kết giữa các nền kinh tế trong khu vực càng phải sâu sắc hơn, xử lý hiệu quả hơn những cản trở thương mại và đầu tư vì sự phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra yêu cầu mới đối với các chủ thể kinh tế tham gia, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp. Yêu cầu ấy càng bức thiết hơn đối với các doanh nghiệp MSME, vốn chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong khu vực, trong đó ở Việt Nam chiếm đến 97%. Đây là những chủ thể kinh tế không có lợi thế về quy mô nhưng lại rất chủ động, linh hoạt, dễ thích ứng. Yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp này vừa phải nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh, vừa phải thân thiện với môi trường, nhận thức tốt hơn về lợi ích từ hoạt động kinh tế “xanh” để định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ phù hợp, tránh rủi ro tiềm ẩn.” 


Đại biểu quốc tế đánh giá cao chủ đề của hội nghị APPF-26

Tại APPF-26, chủ nhà Việt Nam đã đưa ra chủ đề: “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và tăng trưởng bền vững.” Chủ đề có nội dung phản ánh xu hướng phát triển của ngoại giao nghị viện trên thế giới, đặc biệt là trên các diễn đàn đa phương, cũng như những quan tâm chung của các quốc gia, đó là hòa bình, ổn định, phát triển bền vững. Chủ đề cũng định hướng cho các nghị viện thành viên APPF về một Tầm nhìn cho APPF, một tương lai chung cho tất cả mọi thành phần với sự đóng góp và sáng tạo của các nghị viện thành viên, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi người dân.

Đại diện Nghị viện Fiji, ông Alexander O’Connor đánh giá cao chủ đề Việt Nam đưa ra lần này. Các nội dung theo chủ đề của Việt Nam có tính thực tiễn cao, phù hợp với tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Điển hình là vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên.




Sáng 19/1/2018, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF 26 chủ trì Phiên họp toàn thể 1
với chủ đề "Vấn đề an ninh chính trị" của Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương
(APPF - 26). Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF 26 phát biểu. Ảnh: Công Đạt / VNP


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban tổ chức APPF-26 phát biểu tại phiên họp.  Ảnh: Công Đạt / VNP


Các đại biểu dự phiên họp.  Ảnh: Công Đạt / VNP


Chiều 19/1/2018, tại Hà Nội, diễn ra Phiên họp toàn thể 2 với chủ đề "Vấn đề Kinh tế và Thương mại"
của Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF - 26).  Ảnh: Công Đạt / VNP


Phóng viên Truyền hình Quốc hội phỏng vấn đại biểu bên lề cuộc họp. Ảnh: Công Đạt / VNP


Các đại biểu dự phiên họp trao đổi trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: Công Đạt / VNP


Đại biểu Đoàn Nghị viện Nga dự phiên họp. Ảnh: Công Đạt / VNP

Cũng theo bà Mastura Mohd Yazid, đại biểu Đoàn Nghị viện Malaysia, chủ đề của APPF-26 được nước chủ nhà Việt Nam đưa ra rất hữu ích. Do đó, các thành viên APPF cần chung tay thúc đẩy đạt được mục tiêu mà chủ đề nêu, đó là hòa bình, sáng tạo và tăng trưởng bền vững. Chủ đề này cũng định hướng cho các nghị viện thành viên APPF về một tầm nhìn mới cho APPF, một tương lai chung nhằm đem lại những lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi người dân.

Cho rằng chủ đề của Hội nghị APPF-26 là phù hợp và thiết thực, bà Yoshiko Kira, đại diện Nghị viện Nhật Bản chia sẻ, Nghị viện Nhật Bản hy vọng những thảo luận giữa thành viên các nghị viện châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ APPF- 26 sẽ tạo nhiều tiếng nói, từ đó đóng góp vào sự phát triển và nền hòa bình của khu vực.

Lần này, Hội nghị APPF-26 sẽ thảo luận về việc sửa đổi quy chế hoạt động của APPF đối với Hội nghị Nữ nghị sĩ. Bản Dự thảo Quy chế hoạt động với các nội dung bổ sung về cơ chế của Hội Nữ nghị sĩ APPF đã được Nghị viện Nhật Bản chuẩn bị và gửi tới Ban Tổ chức Hội nghị APPF-26. Đại diện Nghị viện Nhật Bản bày tỏ hy vọng, Hội nghị lần này sẽ thông qua Quy chế này như đề xuất của Chủ tịch Danh dự APPF, Nhật Bản./.


Cho rằng chủ đề của Hội nghị APPF-26 là phù hợp và thiết thực, bà Yoshiko Kira, đại diện Nghị viện Nhật Bản chia sẻ, Nghị viện Nhật Bản hy vọng những thảo luận giữa thành viên các nghị viện châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ APPF- 26 sẽ tạo nhiều tiếng nói, từ đó đóng góp vào sự phát triển và nền hòa bình của khu vực
 
Bài: TTXVN - Ảnh: Công Đạt (Báo ảnh Việt Nam), Đình Nam và TTXVN 

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top