Tin tức

Sắt son nghĩa tình biển đảo Trường Sa

Vượt qua hàng ngàn hải lý, Đoàn công tác số 8 do Đại tá Trần Đức Cảnh, Phó Tham mưu trưởng Hải quân làm Trưởng đoàn, mang theo tình cảm và nhiều món quà từ đất liền đến với quân và dân Trường Sa. Chuyến đi diễn ra vào những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước náo nức kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giải phóng hoàn toàn Trường Sa. Chuyến đi thực sự là một kỷ niệm quý báu, đáng trân trọng và tự hào với mỗi thành viên trong đoàn.
Đoàn công tác số 8 do Đại tá Trần Đức Cảnh, Phó Tham mưu trưởng Hải quân làm trưởng đoàn đến thăm, động viên quân và dân đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Tuyết Mai – TTXVN
Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Trưởng đoàn công tác Bộ Công an giao lưu với chiến sỹ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Tuyết Mai – TTXVN

Mang đến tình cảm, mang về niềm tin

Ra khơi khi trời yên biển lặng, tàu KN – 390 đã hoàn thành hải trình đưa đoàn công tác qua 6 đảo chìm, nổi thuộc Trường Sa và Nhà giàn DK 1/2 (Phúc Tần). Các thành viên trong đoàn tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của các hòn đảo, sự đón tiếp nồng hậu, thắm đượm nghĩa quân, dân. Mỗi người đều có những cảm xúc đặc biệt, niềm tin yêu mãnh liệt, thôi thúc khi trở về đất liền sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc” bằng những hành động thiết thực .

Trong chuyến đi ý nghĩa này, sinh viên Học viện Cảnh sát đã mang lời ca, tiếng hát cổ vũ, khích lệ, mang hơi ấm của đất liền đến với quân và dân Trường Sa. Sinh viên Lê Minh Anh học viên B16 – D46 chuyên ngành Kỹ thuật Hình sự chất lượng cao, Học viện Cảnh sát tự hào cho biết: Chưa bao giờ em nghĩ được đặt chân đến Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nên chuyến công tác này em và các bạn đã dồn hết tâm huyết, gửi gắm niềm tin yêu vào các tiết mục biểu diễn, lan tỏa thông điệp tuổi trẻ là cánh tay nối dài yêu thương giữa đất liền và hải đảo. Dù ở bất kỳ nơi nào của Tổ quốc, các thế hệ học sinh, sinh viên đều chung một trái tim yêu thương và mong muốn được cống hiến sức trẻ xây dựng đất nước, cho Trường Sa thân yêu.

Lần đầu tiên ra Trường Sa với hành trang mang theo là vai bà mẹ hơn 50 tuổi trong vở hài kịch “Tình yêu lính đảo”, diễn viên Bảo Thanh cùng các đồng nghiệp tại Nhà hát kịch Công an nhân dân đã mang đến cho cán bộ, chiến sỹ và bà con trên đảo Trường Sa lớn những nụ cười sảng khoái. Vở diễn nói về câu chuyện tình yêu của một chiến sỹ ngoài hải đảo xa xôi với người con gái anh yêu ở miền trung du xanh ngát đồi chè. Cô gái lấy tên mẹ mình viết thư tìm hiểu chàng lính đảo đã gây hiểu lầm khi anh lính đảo được trở về đất liền, đến gặp mặt người yêu... “Đó là nét tươi mới của vở diễn. Mỗi người lính đảo đều thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong vai diễn, mang lại tiếng cười nhẹ nhàng, dí dỏm, giúp mọi người thấu hiểu và chia sẻ hơn mối tình giữa những người lính đảo với các cô gái ở hậu phương”, diễn viên Bảo Thanh chia sẻ.

Không chỉ trao gửi yêu thương của đất liền đến với quân và dân huyện đảo Trường Sa, chuyến công tác còn là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, giúp các thành viên thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của quân và dân ngoài hải đảo.

Chứng kiến điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đời sống sinh hoạt của người dân Trường Sa, Đại tá Nguyễn Đăng Sáu, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân bày tỏ: Qua chuyến đi, mỗi người được trải nghiệm và hiểu hơn lịch sử biển đảo Việt Nam; ý chí kiên cường vượt qua khó khăn, kiên trì bám trụ ngày đêm canh giữ bầu trời biển đảo thiêng liêng của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Từ đó, mỗi người đều nguyện sẽ chia sẻ khó khăn với quân, dân Trường Sa.

“Các chiến sĩ, quân và dân huyện đảo Trường Sa hãy tin vào hậu phương vững chắc, mỗi người dân trên đất liền luôn hướng về các anh và mong các anh nhiều sức khỏe, vững tay súng bảo vệ vững chắc biển trời thiêng liêng của Tổ quốc”, Đại tá Nguyễn Đăng Sáu bày tỏ.

Đảo Trường Sa lớn được ví như "Thủ đô" của Trường Sa, địa chỉ quen thuộc với ngư dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Nhiều năm qua, ngư dân đánh cá xa bờ gặp trường hợp khẩn cấp đều tìm đến đây tạm lánh, cấp cứu, điều trị; tiếp nhận bổ sung nước ngọt, lương thực, thực phẩm. Trung tâm Y tế đảo Trường Sa lớn đã được nâng cấp trang thiết bị hiện đại và tăng cường cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe cho quân, dân trên đảo và ngư dân đánh bắt cá trên biển.

Đại tá, bác sĩ Đỗ Thị Lệ Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện 19/8 – Bộ Công an, thành viên đoàn công tác chia sẻ, chuyến công tác đến với Trường Sa lần này, các cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện mang theo tinh thần đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ hợp tác với y tế đơn vị ở biển đảo.

“Nếu được đi lại Trường Sa, niềm mong muốn lớn nhất của các y, bác sỹ là được khám bệnh, cấp thuốc cho người dân ở vùng biển đảo còn gặp nhiều khó khăn”, bác sỹ Đỗ Lê Thúy bày tỏ.

Đoàn công tác Bộ Công an tặng quà cho người dân trên đảo Trường Sa. Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN

Sắt son lời thề giữ đảo

Trong hải trình đến với Trường Sa, các thành viên Đoàn công tác số 8 không thể quên được giây phút thiêng liêng, xúc động tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở khu vực đảo Cô Lin. Hơn 36 năm về trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại khu vực Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc Trường Sa. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo đá Gạc Ma đã hô vang lời thề: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Lời thề ấy luôn là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho những chiến sĩ Trường Sa hôm nay và mai sau.

Sau ngày giải phóng, diện mạo của Trường Sa hôm nay đã đổi thay từng ngày. Trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Cuộc sống tuy còn vất vả, khó khăn nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội, tình quân dân luôn nồng thắm tỏa sáng, sắt son bền chặt.

Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sinh Tồn, Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Sinh Tồn cho biết, sự thăm hỏi, động viên của Đoàn công tác số 8 là nguồn động viên, cổ vũ to lớn với cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, tiếp thêm sức mạnh cũng như niềm tin cho họ tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc. 

Cảm động trước những tình cảm của đoàn công tác, Thượng úy Lê Công Quốc, Chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan B chia sẻ: Ra đảo là nguyện vọng lớn xuất phát từ sâu trong đáy lòng anh với mong muốn được góp công sức cùng các cán bộ, chiến sĩ xây dựng và bảo vệ vững chắc Trường Sa. Anh và các cán bộ, chiến sỹ đã đoàn kết gắn bó, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc vùng biển đảo được phân công.

 “Với tinh thần nhiệt huyết, hăng hái, xung kích và sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi tiếp tục dìu dắt và chỉ bảo để các em rèn thêm ý chí để xây dựng và bảo vệ Trường Sa”, Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn 14 Trường Sa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện đảo Trường Sa cho biết. Theo Đại tá Lê Đình Hải, những năm qua, nhiều đoàn công tác của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, kiều bào ra thăm quân dân Trường Sa đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt, hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần, gắn kết giữa đất liền với Trường Sa. Hiện nay, Quân chủng Hải quân và huyện đảo Trường Sa mong muốn có sự chung tay của cộng đồng để thực hiện “Xanh hóa Trường Sa”.

Chuyến công tác đến Trường Sa đã giúp các thành viên trong đoàn nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thiếu tá Dương Ngọc Hoàng, Phòng Chính trị, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, sau chuyến công tác ra Trường Sa, tất cả cán bộ, chiến sĩ sẽ có tư duy mới, nêu cao hơn nữa trách nhiệm đối với công việc, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm để đưa vào bài giảng, công tác quản lý. Từ đó lan tỏa tinh thần tuổi trẻ đến với quân và dân huyện đảo Trường Sa, truyền tải thông điệp mỗi người dân đất liền hằng ngày, hằng đêm, từng giờ vẫn luôn sát cánh với quân và dân trên đảo, cùng bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Chuyến công tác này còn mang ý nghĩa đặc biệt, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân. Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Trưởng đoàn công tác Bộ Công an chia sẻ, đối với mỗi người dân đất Việt được đến với Trường Sa là một ước mơ cháy bỏng. Mỗi thành viên trong đoàn đều cảm thấy vinh dự và tự hào. Tình cảm và những món quà quý từ đất liền góp phần giúp quân và dân Trường Sa yên tâm trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, vững chắc tay súng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Quân đội nhân dân Việt Nam đang tích cực thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, chuyến đi này cho thấy tinh thần dù trong hoàn cảnh nào, Công an nhân dân và Quân đội nhân dân luôn luôn sát cánh, đoàn kết thi đua yêu nước, giữ vững an ninh Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước”, Trung tướng Phan Xuân Tuy nhấn mạnh.

Sóng gió không ngăn được tình cảm của người dân đất Việt ở khắp nơi trên thế giới hướng về Trường Sa. Vượt qua hàng ngàn hải lý, các đoàn công tác tiếp tục mang tình cảm yêu thương của đất liền đến với quân và dân huyện đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho hành trình viết tiếp những trang sử vẻ vang trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN


Top