Tin tức

Cao tốc Bắc - Nam phía Tây mở ra không gian phát triển mới

Tiếp tục chương trình đợt 2 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
  Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: An Đăng - TTXVN  

 Giải quyết các tình huống do chồng lấn quy hoạch 

Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng; tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, đoạn đường Chơn Thành - Đức Hòa hiện chỉ quy hoạch xây dựng đường cấp III đồng bằng, cần nghiên cứu, xem xét nâng cấp đoạn đường này với cùng quy mô tuyến 4 làn xe như đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành, do đó đại biểu đề nghị nghiên cứu đầu tư đoạn đường này sao cho hợp lý về quy hoạch và phương thức đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc giải quyết các tình huống cụ thể do chồng lấn quy hoạch khoáng sản với dự án. 

Thứ nhất là đối với khu vực chưa có giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản thì nhà thầu thi công dự án được lựa chọn để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án, không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản và không phải thực hiện các thủ tục về cấp phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khoáng sản và thủ tục thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Nhà thầu thi công phải nộp, đăng ký kế hoạch khai thác, nội dung bảo vệ môi trường, giao UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đắk Nông có trách nhiệm xác nhận kế hoạch khai thác, nội dung bảo vệ môi trường đối với các hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường.

Thứ hai, đối với khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn thời hạn khai thác thì được phép khai thác để phục vụ dự án mà không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản... Trong quá trình thi công xây dựng các hạng mục công trình, dự án, có phát hiện khoáng sản, nhà thầu thi công tổ chức đánh giá hiệu quả của việc thu hồi khoáng sản và báo cáo UBND cấp tỉnh theo phương án cụ thể...

Đại biểu Nguyễn Trường Giang mong muốn sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ sớm triển khai dự án, đáp ứng sự mong mỏi của đồng bào, cử tri, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Khẳng định đây là một dự án chiến lược cả về chính trị và kinh tế, tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn về việc tính doanh thu của dự án. Đại biểu đề cập đến nội dung trong báo cáo của Chính phủ và của Bộ Giao thông Vận tải về dự báo nhu cầu xe vận tải đi qua tuyến này: "Đến năm 2030, đoạn tuyến cao nhất từ IC1 đến IC3 mới có 7.600 xe đi qua... Tính ra cả ngày chỉ có chưa đến 20 xe. Nếu tính bình quân cho 24 tiếng thì mỗi tiếng trên đường cao tốc không có đến một ô tô đi qua. Trường hợp thứ hai là tính đến thời kỳ thu hồi vốn là năm 2045 thì cao nhất là có 23.000 xe, tức là mỗi một ngày đêm cũng chỉ khoảng 60 xe ô tô đi qua đây. Tôi cho rằng đây là những số liệu mà chúng ta cần hết sức là cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng", đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu. Ảnh: An Đăng - TTXVN

 Khả thi về thời gian hoàn vốn 

Giải trình, báo cáo một số nội dung các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về tính khả thi đầu tư, đây là Dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn Nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này.

Quá trình tính toán cho thấy đây sẽ là Dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, được các ngân hàng đánh giá cao. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thông thường các dự án gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn (tối đa 5 năm). Với một dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 - 20 năm như dự án này, nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng, nên sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư. 

Về tác động của Dự án đến các dự án BOT song hành trên Quốc lộ 14, Bộ trưởng cho hay, khi hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và một số tuyến ngang, không chỉ có hai dự án BOT bị ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác. Tác động này đã được Chính phủ lường trước. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt là do quá trình Nhà nước đầu tư các dự án BOT đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và các trục ngang, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Bộ trưởng cho rằng, sau khi Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đi vào hoạt động, có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể, có thể là kéo dài thời gian thu phí, hoặc bổ sung một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án bị ảnh hưởng./.

Báo ảnh Việt Nam/ TTXVN


Top