Thời trang Việt qua sự sáng tạo của các nhà thiết kế thế hệ Gen Z

Thời trang Việt qua sự sáng tạo của các nhà thiết kế thế hệ Gen Z

Sau 2 năm giãn cách vì đại dịch Covid, Re:birth (Tái sinh) - một trong những Tuần lễ thời trang tốt nghiệp đặc biệt nhất từ trước đến nay của Học viện thời trang Thiết kế và Thời trang Luân Đôn (Hà Nội) đã được tổ chức với những bộ sưu tập thể hiện tư duy khác biệt của các nhà thiết kế trẻ Gen Z.

 

Cô May Cortazzi, giảng viên khoa Thời trang của Học viện thời trang Thiết kế và Thời trang Luân Đôn, chia sẻ: “Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trải qua khoảng thời gian bị cô lập và phải hướng về bên trong để khám phá bản thân, các sinh viên của chúng tôi đã hình thành những quan điểm độc đáo về thế giới hiện đại trong việc lên ý tưởng tới sản xuất, marketing và trình diễn những bộ sưu tập sáng tạo nhất trên sàn catwalk”.

Re:birth tập trung vào 3 chủ đề phản ánh sự thay đổi khi tái sinh sinh của những nhà thiết kế Việt thế hệ Gen Z, gồm  Re:vive (Thức tỉnh), Re:Grow (Sống dậy) và Re:New (Đổi mới).

 

Với nhóm chủ đề Re:vive, các nhà thiết kế giới thiệu những bộ sưu tập thể hiện nhận thức mới mẻ của các nhà thiết kế về các vấn đề của cộng đồng, thiên nhiên và môi trường. Trong đó có thể kể đến bộ sưu tập “Ký sinh trùng” của nhà thiết kế Nguyễn Thị Thùy Dung được lấy cảm hứng từ hình dạng và sự tương tác lẫn nhau giữa vật chủ và ký sinh trùng. Bộ sưu tập là sự kết hợp những kiểu dáng thời trang đường phố và dạ hội với những kỹ thuật xử lý chất liệu 3D mới lạ, phù hợp với khách hàng từ 25 đến 40 tuổi.

 
 
 
Bộ sư tập “Ký sinh trùng” của nhà thiết kế Nguyễn Thị Thùy Dung.

Bộ sưu tập “Mở mắt thấy thinh không” của nhà thiết kế Đào Ngọc Diệp kể câu chuyện về những ý niệm trung lập để rồi tạo nên trạng thái bình thản và đưa người xem tới giai đoạn cơ bản của chánh niệm. Bộ sưu tập là kết hợp hài hòa và sáng tạo về chất liệu cũng như các mảng màu trung tính.




Bộ sưu tập “Mở mắt thấy thinh không” của nhà thiết kế Đào Ngọc Diệp.

Trong khi đó, nhóm chủ đề Re:Grow gồm các bộ sưu tập lấy cảm hứng từ chính quá trình khám phá bản thân của các nhà thiết kế cũng như việc dự đoán về cuộc sống con người trong tương lai. Có thể kể đến bộ sưu tập “Chinh phục bầu trời” của nhà thiết kế Nguyễn Thanh Hiền với chất liệu chủ đạo là vải ánh kim, vải bắt sáng, phản quang kết hợp với Khaki có độ bền cao. Bộ sưu tập kể lại câu chyện về quá trình biến giấc mơ chinh phục bầu trời của con người than hiện thực.

 
 

Bộ sưu tập “Chinh phục bầu trời” của nhà thiết kế Nguyễn Thanh Hiền.

Ngoài ra, còn có bộ sưu tập “Lên mặt trăng” của nhà thiết kế Trịnh Hà Phương với sự kết hợp phong cách thời trang của Mod và Hippie, hai nhóm văn hóa tiêu biểu của thập niên 60.




Bộ sưu tập “Lên mặt trăng” của nhà thiết kế Trịnh Hà Phương.

Với quan điểm sáng tạo nhưng hướng tới bảo tồn văn hóa truyền thống, nhóm chủ đề Re:New gồm những bộ sưu tập thể hiện sự trân trọng và làm mới các giá trị truyền thống Việt. Nhóm chủ đề này gồm bộ sưu tập “Hạnh phúc của một tang gia” được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng của nhà thiết kế Trần Quốc Anh.




Bộ sưu tập “Hạnh phúc của một tang gia” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng của nhà thiết kế Trần Quốc Anh.

Bộ sưu tập “Hoài niệm” phản ánh thời kỳ bao cấp ở Việt Nam của nhà thiết kế Phạm Quỳnh Anh. Nếu như bộ sưu tập của Quốc Anh nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa thông qua việc sử dụng chất liệu vải tơ tằm được dệt hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống thì các mẫu thiết kế của nhà thiết kế Quỳnh Anh phản ánh thời kỳ bao cấp một cách thú vị và sinh động ở Việt Nam với các hình in, tranh biếm họa.




Bộ sưu tập “Hoài niệm” miêu tả về thời kỳ bao cấp ở Việt Nam của nhà thiết kế Phạm Quỳnh Anh.

Có thể nói, Re:birth là cơ hội để tôn vinh sự sáng tạo và tự do, thể hiện tư duy hướng tới tương lai của các nhà thiết kế Việt thế hệ Gen Z. Sự sáng tạo của các nhà thiết kế trẻ sẽ thúc đẩy những điều tích cực, tư duy mới mẻ và tạo nên thay đổi trong ngành công nghiệp thời trang./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam


Top