Hiệu quả cao từ mô hình chăn nuôi đà điểu ở Ba Vì

Hiệu quả cao từ mô hình chăn nuôi đà điểu ở Ba Vì

Hiện nay tại huyện Ba Vì có nhiều xã đang phát triển mô hình chăn nuôi đà điểu như Tản Lĩnh, Vân Hòa, Ba Trại... Toàn huyện hiện có hơn 200 hộ nuôi đà điểu tại 11 xã, quy mô hàng chục nghìn con. Với những lợi thế mang lại, nếu phát triển số lượng lớn thì hiệu quả kinh tế từ nuôi đà điểu cao hơn nhiều lần so với các loại cây, con giống truyền thống.

Các hộ dân liên kết với nhau để tạo nên sự phát triển, quy mô của địa phương được đồng đều về mặt chất lượng cũng như thành phẩm.

Qua giới thiệu, chúng tôi tìm đến hộ gia đình bác Phùng Thế Tài ở xã Vân Hòa. Bác Tài cho biết: “Hồi trước nhà tôi nuôi lợn nhưng thu nhập không cao vì hay xảy ra rủi ro do dịch bệnh và giá cả thị trường biến động. Cách đây vài năm tôi có biết đến mô hình nuôi đà điểu và tôi bắt đầu tìm hiểu để chuyển đổi mô hình nuôi. Ở Ba Vì rất thuận tiện bởi có Trạm Nghiên cứu chăn nuôi đà điểu để học hỏi kinh nghiệm nuôi, ngoài ra có có diện tích rộng để làm trang trại chăn nuôi thích ứng với kích thước với trọng lượng của đà điểu. Đồng thời địa phương cũng có sẵn những thức ăn tự nhiên cho đà điểu ăn bên cạnh những thức ăn tinh.”.

Tại huyện Ba Vì, hiện đã có hơn 200 hộ chăn nuôi đà điểu với số lượng hàng chục nghìn con trên địa bàn.

Nhận thấy đây là loài chim nuôi có tiềm năng lớn, phù hợp với điều kiện đất đai, gia đình nhà bác Tài đã cải tạo lại khu đất của gia đình, xây dựng chuồng trại theo hướng dẫn nuôi đà điểu thương phẩm. Bác Tài cho biết đà điểu dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn của đà điểu dễ kiếm, chủ yếu là rau cỏ, cám, ngô, thóc dễ mua tại địa phương nên chủ động trong việc cung cấp lượng thức ăn đầy đủ hàng ngày. Sân được rải cát, vì đà điều có nguồn gốc từ sa mạc, thường xuyên tắm cát giúp làm sạch cơ thể, loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da. 


Đà điểu con được đảm bảo độ ấm và điều kiện thức ăn tốt.

 Sau vài năm đầu tư nuôi, mỗi năm, gia đình bác đã đầu tư nuôi khoảng 300 con, nhưng sau dịch Covid lo sợ rủi ro cao nên năm 2022 gia đình anh chỉ nuôi 100 con. Thời gian sinh trưởng của đà điểu thương phẩm từ 8 – 10 tháng, đạt trọng lượng từ 80 – 100kg. Khi đà điểu được 2 năm tuổi sẽ bắt đầu đẻ trứng, chu kỳ 1 con đẻ 40 – 45 quả trứng/năm. Hiện nay, đà điểu có giá bán 90.000 – 110.000 đồng/kg hơi, 250.000 – 270.000 đồng/kg thịt. Với mỗi con đà điểu, người chăn nuôi lãi khoảng 3-4 triệu đồng nên doanh thu hàng năm của gia đình được khoảng 300 triệu. Ngoài bán thịt, các hộ dân còn sản xuất giò đà điểu cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện.

Trứng đà điểu được chọn cẩn thận đảm bảo tiêu chuẩn đưa đi ấp.

Những năm gần đây các sản phẩm thịt đà điểu, giò đà điểu, trứng đà điểu đang là một trong những “thương hiệu” nổi bật của huyện Ba Vì. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai Chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mô hình chăn nuôi đà điểu tại các xã trong huyện Ba Vì ngày càng được đẩy mạnh, giúp các hộ chăn nuôi đà điểu yên tâm, mở rộng quy mô chăn nuôi đà điểu phát triển bền vững./.

 

 Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long / Báo ảnh Việt Nam

 

 


Top