ASEAN - Nhật Bản: Chung ý chí và hành động vì môi trường
Thách thức then chốt mà ASEAN phải đối mặt trong những thập kỷ tới là nhu cầu cân bằng tăng trưởng kinh tế trong khi giảm lượng khí thải carbon. Hành động vì môi trường xanh là không thể trì hoãn, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực cần “chung ý chí, quyết tâm cao và hành động quyết liệt hướng đến một châu Á phát triển phát thải ròng bằng 0”.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa các lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản về “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định AZEC đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ triển khai, xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, linh hoạt, mạnh mẽ và đáng tin cậy; đồng thời mở rộng thị trường năng lượng sạch và công nghệ tiên tiến, thúc đẩy phát triển và phối hợp chính sách về chuyển đổi năng lượng, phù hợp với tình hình và điều kiện mỗi quốc gia; thúc đẩy quan hệ đối tác công tư và hợp tác trong tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở khu vực.
Tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự quyết tâm và hành động quyết liệt của Việt Nam trong thực hiện các cam kết đề ra, trong đó có chủ động tăng cường hợp tác nhằm đạt được cả ba mục tiêu là giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế tại châu Á. Đồng thời cho rằng, các nước ASEAN và Nhật Bản cần phối hợp chặt chẽ hơn để xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm và cùng thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực, đặc biệt là bảo đảm sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Chia sẻ về những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu và khẳng định vì trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26, nổi bật là việc xây dựng các chiến lược và quy hoạch quốc gia như Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), ban hành Kế hoạch thực hiện JETP và công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP; đã và đang xây dựng thể chế và hoàn thiện khung pháp lý bao gồm các Luật Dầu khí, Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo theo cơ chế thị trường, phát triển điện sinh khối và bán tín chỉ carbon.
Việt Nam tin tưởng rằng, với quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ, sự giúp đỡ tích cực hiệu quả của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển, một châu Á phát thải ròng bằng "0" sẽ trở thành hiện thực, mang lại sự phồn vinh cho cộng đồng các quốc gia châu Á và tương lai bền vững trên toàn cầu.
- Bài: Báo ảnh Việt Nam/ TTXVN
- Ảnh: TTXVN, AFP, THX (TTXVN Phát)
- Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung