Thách thức then chốt mà ASEAN phải đối mặt trong những thập kỷ tới là nhu cầu cân bằng tăng trưởng kinh tế trong khi giảm lượng khí thải carbon. Hành động vì môi trường xanh là không thể trì hoãn, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực cần “chung ý chí, quyết tâm cao và hành động quyết liệt hướng đến một châu Á phát triển phát thải ròng bằng 0”.
Thách thức then chốt mà ASEAN phải đối mặt trong những thập kỷ tới là nhu cầu cân bằng tăng trưởng kinh tế trong khi giảm lượng khí thải carbon. Hành động vì môi trường xanh là không thể trì hoãn, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực cần “chung ý chí, quyết tâm cao và hành động quyết liệt hướng đến một châu Á phát triển phát thải ròng bằng 0”.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa các lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản về “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định AZEC đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ triển khai, xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, linh hoạt, mạnh mẽ và đáng tin cậy; đồng thời mở rộng thị trường năng lượng sạch và công nghệ tiên tiến, thúc đẩy phát triển và phối hợp chính sách về chuyển đổi năng lượng, phù hợp với tình hình và điều kiện mỗi quốc gia; thúc đẩy quan hệ đối tác công tư và hợp tác trong tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh AZEC tháng 12/2023. Ảnh: TTXVN
Ngày 4/3/2023, Hội nghị Bộ trưởng “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á” (AZEC) khai mạc tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Đây là hội nghị đầu tiên được
tổ chức theo sáng kiến do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tháng 1/2022 nhằm thúc đẩy việc cắt giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững ở châu Á. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trườngTrần Hồng Hà dẫn đầu. Ảnh: TTXVN
Tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự quyết tâm và hành động quyết liệt của Việt Nam trong thực hiện các cam kết đề ra, trong đó có chủ động tăng cường hợp tác nhằm đạt được cả ba mục tiêu là giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế tại châu Á. Đồng thời cho rằng, các nước ASEAN và Nhật Bản cần phối hợp chặt chẽ hơn để xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm và cùng thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực, đặc biệt là bảo đảm sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Chia sẻ về những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu và khẳng định vì trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26, nổi bật là việc xây dựng các chiến lược và quy hoạch quốc gia như Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), ban hành Kế hoạch thực hiện JETP và công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP; đã và đang xây dựng thể chế và hoàn thiện khung pháp lý bao gồm các Luật Dầu khí, Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo theo cơ chế thị trường, phát triển điện sinh khối và bán tín chỉ carbon.
Đoạn đê biển dài khoảng 2km thuộc thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu (Nam Định) bị sóng làm biến dạng hoàn toàn nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN
Để góp phần hiện thực hoá mục tiêu của AZEC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất thời gian tới cần tập trung vào nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch và công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo nguồn năng lượng sạch được tiếp cận rộng rãi, đáp ứng được khả năng chi trả tại khu vực châu Á; bảo đảm chuyển đổi năng lượng sạch phù hợp với điều kiện của mỗi nước. Đồng thời, thiết lập các cơ chế tài chính khí hậu mới, hợp tác công-tư và hợp tác trong khu vực tư nhân để tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia.
Người dân tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa động đất - sóng thần hồi tháng 3/2011, tại Iwaki, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 11/3/2023.
Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trước đó, tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra các định hướng hợp tác gồm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương, bảo đảm không ai hay nước nào bị bỏ lại phía sau; đưa nội hàm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành lĩnh vực hợp tác chủ chốt và thúc đẩy tài chính ưu đãi cho khí hậu để làm đòn bẩy, giúp mở khoá các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình “Ngày hội môi trường” với chủ đề “Biển Đà Nẵng mãi trong xanh”. Hoạt động thu hút gần 500 bạn trẻ, người dân tham gia, hưởng ứng. Ảnh: TTXVN
Việt Nam tin tưởng rằng, với quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ, sự giúp đỡ tích cực hiệu quả của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển, một châu Á phát thải ròng bằng "0" sẽ trở thành hiện thực, mang lại sự phồn vinh cho cộng đồng các quốc gia châu Á và tương lai bền vững trên toàn cầu.
- Bài: Báo ảnh Việt Nam/ TTXVN
- Ảnh: TTXVN, AFP, THX (TTXVN Phát)
- Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/asean-nhat-ban-chung-y-chi-va-hanh-dong-vi-moi-truong-356754.html