Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế và xây dựng nền nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học và công nghệ mang ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp công nghệ cao và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tại Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, thu hút đầu tư vào nông nghiệp thông minh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp nông nghiệp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững.
Hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh tại Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Một số doanh nghiệp lớn như VinEco, TH True Milk, HAGL Agrico đã tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Việc học hỏi kinh nghiệm từ các chương trình hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo như Horizon Europe hay Digital Europe Programme của EU, đặc biệt là các dự án sử dụng dữ liệu lớn và cảm biến thông minh để giám sát sản xuất nông nghiệp, đã giúp Việt Nam nhanh chóng phát triển nền nông nghiệp thông minh và bền vững.
Với sự hỗ trợ từ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chính sách đổi mới của Quốc hội, ngành nông nghiệp Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển theo hướng bền vững và thông minh hơn.
Hiện tại, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và không gian dữ liệu chung cho ngành nông nghiệp, giúp tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan. Học tập mô hình của châu Âu, Việt Nam đang triển khai một nền tảng dữ liệu nông nghiệp quốc gia, trong đó các thông tin về khí hậu, đất đai, chuỗi cung ứng, sản lượng và truy xuất nguồn gốc được lưu trữ và phân tích theo thời gian thực, giúp cải thiện khả năng dự báo và đảm bảo tính minh bạch, nâng cao tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Tuân thủ các quy định quốc tế về sản xuất nông nghiệp bền vững là yếu tố quan trọng để giúp nông sản Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tiếp cận công nghệ số thông qua các trung tâm đổi mới sáng tạo và thử nghiệm công nghệ nông nghiệp. Việc thành lập các cơ sở thử nghiệm công nghệ tiên tiến như AI, robot nông nghiệp và cảm biến môi trường theo mô hình của EU sẽ giúp đánh giá, kiểm chứng và triển khai công nghệ một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chính Phủ đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển. Việt Nam có thể tham gia vào các dự án hợp tác với châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Israel để tiếp cận công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực nghiên cứu./.
Bài: VNP - Ảnh: VNP, TTXVN
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/viet-nam-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-402070.html