Vẽ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trên gốm
Lần đầu tiên có một triển lãm gốm (lọ, đĩa) trưng bày các tác phẩm lấy cảm hứng từ câu văn, thơ trong các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với 41 họa sĩ Việt Nam tham gia vẽ. Đây là một hoạt động văn hóa sáng tạo thể hiện câu chuyện nghệ thuật độc đáo có sự quyện hòa của chất đời: Từ thơ, văn đến gốm và hội họa từ cảm hứng con người tác phẩm văn chương của Nguyễn Huy Thiệp.
"Gốm Thiệp" là tên Triển lãm được trưng bày tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội trong tháng 4 này. Điểm nhấn của triển lãm cũng là một câu chuyện hay giới thiệu hơn 200 tác phẩm tranh trên gốm, lấy cảm hứng từ cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Sinh thời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một người yêu Gốm. Ông gắn bó và đến với Gốm Bát Tràng như một điểm hẹn và làng nghề ông yêu quý. Ông là một hiện tượng “độc, lạ” của văn học Việt Nam đã sưu tầm nhiều sản phẩm Gốm. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp yêu hội họa, ông đã từng tự họa chân dung mình, bạn bè, người thân trên đĩa gốm với mục đích là đi tặng mọi người, tặng tấm lòng ông với cuộc đời. Cùng với những tác phẩm văn chương làm nên tên tuổi của ông, gia đình ông cũng đã gìn giữ và bảo tồn những bức tranh gốm mà ông vẽ và cùng mang đến triển lãm “Gốm Thiệp”.
41 họa sĩ tham gia triển lãm tranh lần này một phần là những người bạn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp như: họa sĩ Phan Cẩm Thượng, Lê Thiết Cương, Lê Trí Dũng, Đặng Xuân Hòa và những họa sĩ yêu mến văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Họ đã gặp nhau ở một ý tưởng: Gốm và nhà văn, họ đều vẽ màu xanh, màu của gốm và màu của những khát vọng sức sống mới của dòng chảy lịch sử. Vẽ gốm bằng màu lam chàm (oxit cobanlt) và màu xanh lục (oxit mangan) cũng hạn chế về màu và khá khó vẽ khi loãng quá thì loang chảy, đặc quá dễ cháy màu, nhưng về cơ bản chúng được vẽ như lối vẽ thủy mặc đen trắng thôi, mà hầu hết các họa sĩ đã làm quenCác họa sĩ đã sáng tác tranh của mình dựa trên những nhân vật, tác phẩm, vần thơ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Tác phẩm của họa sĩ Đặng Tiến, vẽ một cảnh trong truyện ngắn "Sang sông" của Nguyễn Huy Thiệp với các câu văn: Ngay lúc ấy chiếc côn trên tay tên tướng cướp bổ mạnh vào miệng chiến binh. Chiếc bình gốm vỡ. Nhà thơ thở phào tán thưởng: Có thế chứ.
Tác phẩm của họa sĩ Quách Đông Phương, lấy cảm hứng từ truyện ngắn "Chảy đi sông ơi" với nét vẽ nước sông chảy mãi. “Con gái thủy thần” là tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan Bách, Đĩa gốm của họa sĩ Nguyễn Đình Vũ vẽ từ cảm hứng truyện “Phẩm tiết” của Nguyễn Huy Thiệp. “Tướng về hưu”, tác phẩm của Họa sĩ Lê Thiết Cương...
Xem những tác phẩm họa sĩ vẽ, công chúng nhận thấy các họa sĩ đều dành nhiều tình cảm cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Với những góc nhìn khác nhau, nét vẽ của họ cũng khác nhau nhưng đều toát lên những câu chữ, cốt truyện trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Dù cuộc sống và xã hội có những biến đổi nhưng câu chuyện mà nhà văn thể hiện về cuộc sống lịch sử Việt Nam dường như vẫn còn nguyên giá trị về bức tranh xã hội của Việt Nam sau những năm 1986 đến nay...
Họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển của triển lãm và cũng là người bạn thân thiết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho biết: Chúng tôi làm triển lãm “Gốm Thiệp” nhân kỷ niệm 75 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2025). Đây là một món quà tặng anh, anh Thiệp cùng những tác phẩm của mình sẽ sống mãi cùng độc giả và nền văn chương Việt Nam.
Rất đông công chúng đã đến xem Triển Lãm “Gốm Thiệp” tại Hà Nội. Sau đó “ Gốm Thiệp” cũng sẽ đồng thời được giới thiệu tại Củi Lũ Art Space Hội An, TP Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh.
Bài: Vân Trần, ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/ve-tac-pham-van-hoc-cua-nha-van-nguyen-huy-thiep-tren-gom-396033.html