Văn hóa Việt: Nội lực phát triển du lịch

Văn hóa Việt: Nội lực phát triển du lịch

Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của 54 dân tộc anh em. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó sẽ tạo  nên dấu ấn và điểm nhấn trong phát triển du lịch. Đây cũng là định hướng lâu dài trong chiến lược định vị thương hiệu địa phương trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Ngày 5/2/2023, tại đàn Tịch Điền, phường Minh Nông, Tp.Việt Trì (Phú Thọ) diễn ra Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa,
nhằm tri ân công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công khai sáng nghề nông trong buổi đầu dựng nước.
Đây cũng là sự kiện khởi đầu cho chuỗi các hoạt động của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Văn hóa tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia. Sự đa dạng, độc đáo, riêng có của mỗi nền văn hóa, mỗi điểm đến là yếu tố hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm. Phát triển du lịch thông qua bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa không chỉ thu hút, đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định, nhấn mạnh vai trò của văn hóa với phát triển du lịch. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ, trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.


Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 nhấn mạnh: “Phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc” đồng thời “chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam”.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, tạo nên nền văn hóa phong phú, đậm đà sắc màu các dân tộc. Đó cũng chính là nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để Việt Nam khai thác và phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch. Trong đó, các di sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp hình thành và bồi đắp đời sống tinh thần của các tộc người thiểu số, góp phần vào sự phát triển chung của từng địa phương, từng vùng và đất nước; gia tăng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo thành sức mạnh mềm cho dân tộc.


Trong 15 Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, có nhiều di sản thuộc về cộng đồng dân tộc thiểu số. Đó là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Ở các vùng dân tộc thiểu số, loại hình du lịch cộng đồng, homestay đã và đang được đầu tư để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của du khách. Điển hình là du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (Điện Biên) và Bản Áng (Sơn La); người Hà Nhì ở xã Y Tý (Lào Cai); người Mường ở Bản Lác (Hòa Bình); người Mông ở bản Cát Cát (Lào Cai); người Dao ở bản Nậm Đăm (Hà Giang)... Nhà nước và chính quyền các địa phương đã xây dựng nhiều điểm, tuyến du lịch như tuyến vòng cung Tây Bắc nối liền 6 tỉnh Tây Bắc "Qua những miền di sản Việt Bắc"; tuyến du lịch tìm hiểu Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên...để khai thác và phát huy các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào.


Tuy nhiên, việc đảm bảo phát triển du lịch song hành với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo hướng bền vững đang là một thách thức đặt ra. Phát triển du lịch bền vững cần dựa vào những yếu tố về tài nguyên, văn hóa, cân bằng với nội tại của di sản và hài hòa với sự phát triển của xã hội…/.

Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có hơn 4 vạn di tích, trong số đó có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, hơn 3.610 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 483 di sản được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh…

 Bài: VNP  Ảnh: TTXVN

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/van-hoa-viet-noi-luc-phat-trien-du-lich-331181.html


top