Tục tắm suối của người Tây Bắc
Tắm suối là một phong tục lâu đời, độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Đây không đơn thuần là một hoạt động trong cuộc sống hàng ngày mà còn chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc, phản ánh mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên hùng vĩ nơi núi rừng.
Từ bao đời nay, những dòng suối mát lành chảy qua các bản làng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Tây Bắc. Những dòng nước ấy vừa là nguồn nước nuôi dưỡng sự sống vừa là nơi kết nối cộng đồng, cùng nhau chia sẻ. Với các dân tộc như Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng, tục tắm suối là một nét văn hóa đặc trưng, thể hiện bản sắc riêng của từng cộng đồng.
Thông thường, người dân tắm suối vào buổi chiều sau một ngày lao động vất vả. Khi ánh mặt trời dần tắt, mọi người trong bản lại kéo nhau ra dòng suối, vừa làm sạch cơ thể, vừa thư giãn, trò chuyện, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Hoạt động này đã giúp họ xua tan mệt mỏi và mang lại cảm giác bình yên, tái tạo năng lượng cho ngày mới.
Trong đời sống văn hóa của nhiều dân tộc Tây Bắc, dòng suối được coi là biểu tượng cho sự sống, sự thanh khiết và nguồn cội tái sinh. Đối với người dân, việc gội đầu, tắm suối còn là một nghi thức để gột rửa những điều không may, cầu mong sức khỏe và bình an. Đặc biệt, với người Thái và Mường, phong tục này mang ý nghĩa quan trọng trong các nghi lễ lớn như lễ cưới hỏi hoặc các dịp lễ hội.
Hình ảnh những cô gái vùng cao trong trang phục thổ cẩm sặc sỡ bên dòng suối, vừa tắm vừa ngân nga những câu hát dân ca, tạo nên khung cảnh bình dị mà thơ mộng. Tuy vậy, nhịp sống hiện đại đã khiến tục tắm suối ở nhiều nơi dần mai một. Các công trình nước sạch và nhà tắm tiện nghi đã thay thế vai trò của những dòng suối trong sinh hoạt hàng ngày, khiến lớp trẻ ít lưu tâm đến phong tục này. Nhưng tại một số địa phương, nỗ lực bảo tồn vẫn được duy trì thông qua các lễ hội văn hóa. Một ví dụ tiêu biểu là Lễ hội Gội Đầu (Áp Hô Chiêng) ở Lai Châu, tổ chức vào tháng 4 hàng năm. Lễ hội tái hiện trọn vẹn phong tục tắm suối truyền thống và mở ra cơ hội để người dân, du khách khám phá, trải nghiệm nét đẹp văn hóa vùng cao. Việc gìn giữ và phát triển phong tục này không chỉ là nhiệm vụ của cộng đồng địa phương mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội.
Với những giá trị văn hóa, tắm suối sẽ góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan khám phá vùng Tây Bắc Việt Nam./.
Bài và ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/tuc-tam-suoi-cua-nguoi-tay-bac-385552.html