Trên quê hương Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải

Trên quê hương Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải

 

Ba địa danh Trường Sa (Khánh Hòa), Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Phú Quý (Bình Thuận) đều được chính sử triều Nguyễn ghi nhận là những vùng biển đảo đã được người Việt ra khai thác và khẳng định chủ quyền từ rất sớm. Ngày nay, ba huyện đảo này đang vươn mình trở thành những điểm sáng về phát triển kinh tế, du lịch, bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như đang ra sức nỗ lực thực hiện cam kết chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).

Từ Lý Sơn vươn đến Trường Sa

Từ bao đời nay ngư dân huyện đảo Lý Sơn đều coi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển sinh kế chính của mình. Bởi ngay từ cuối thế kỉ 16, cha ông của họ là những dân binh của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (được thành lập ở Lý Sơn - PV) đã vâng mệnh chúa Nguyễn chèo thuyền đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để đo đạc hải trình, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật và thực hiện việc thu thuế tàu thuyền các nước qua lại. Ngày nay, các hậu duệ của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã có trong tay đội tàu đánh bắt xa bờ gần 600 chiếc với tổng công suất máy đạt trên 70.000 CV.


Ông Phạm Thoại Tuyền, một cư dân của Lý Sơn, người được mệnh danh là “pho sử sống” về lịch sử và chủ quyền biển đảo, cho biết, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ngư dân Lý Sơn luôn coi đây là nhà của mình bởi đó là nơi che chở, nương tựa cho họ trong mỗi chuyến đi biển xa, là nơi họ có thể ghé qua để tiếp tế lương thực, nước uống, xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền, khám chữa bệnh… để những chuyến hải trình an toàn và dài ngày hơn.

Những năm gần đây, kể từ khi EC ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam (năm 2017), tỉnh Quảng Ngãi cũng như huyện đảo Lý Sơn đã vào cuộc quyết liệt triển khai các khuyến nghị của EC. Nhiều chương trình như “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Biên phòng đồng hành với ngư dân”… được triển khai mạnh mẽ nhằm hướng dẫn, cung cấp thông tin kịp thời cho ngư dân biết về vùng biển được phép khai thác và vùng biển không được phép khai thác, cũng như những hệ lụy khi vi phạm IUU nhằm trang bị kiến thức và kĩ năng cho ngư dân Lý Sơn trong mỗi chuyến ra khơi.


Ngư dân Nguyễn Văn Chí, thuyền trưởng tàu cá QNg 96539-TS, người có hơn 20 năm bám biển ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, cho biết: "Trước đây, chúng tôi suy nghĩ rất đơn giản rằng chim trời cá nước, ở đâu có cá nhiều thì đánh bắt nên nhiều khi có tình trạng khai thác sang ngư trường nước bạn. Còn bây giờ được các lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nên ngư dân chỉ khai thác trong phạm vi vùng biển của nước mình". 

Tuabin điện gió được lắp đặt trên đảo Phan Vinh. Ảnh: VNP


Từng là địa phương có số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đứng thứ 2 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhưng hai năm qua huyện đảo Lý Sơn không ghi nhận trường hợp ngư dân vi phạm. Nhiều ngư dân cho biết, kể từ khi được quán triệt việc cam kết chống khai thác thủy sản bất hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, các tàu cá ra khơi đều tuân thủ việc mở thiết bị giám sát hành trình để ngành chức năng theo dõi, giám sát; nghiêm chỉnh chấp hành việc không đánh bắt cá ở vùng biển nước bạn và thực hiện việc ghi chép nhật kí hành trình, truy xuất nguồn gốc thủy sản rõ ràng, đầy đủ.

Chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh A (huyện đảo Trường Sa) uy nghiêm giữa biển khơi. Ảnh: VNP

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển nghề cá đánh bắt xa bờ theo hướng bền vững, Lý Sơn còn chủ trương phát triển du lịch dựa trên hai thế mạnh là cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và các di tích, lễ hội truyền thống, tâm linh nổi tiếng gắn liền với lịch sử chủ quyền biển đảo Tổ quốc như: Âm Linh tự, Đình làng An Vĩnh, Quần thể mộ gió lính Hoàng Sa, Nhà trưng bày lưu niệm và tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa...

Trên quê hương của Đội Bắc Hải

Cảng Phú Quý được xây dựng như một âu thuyền, là nơi hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ neo đậu trong khi chờ lấy nhiên liệu, nước ngọt hoặc để đưa sản phẩm thủy sản lên bờ bảo quản, sơ chế. Ảnh: Thông Hải/ Báo ảnh Việt Nam
Điện gió Phú Quý có công suất lắp máy 6 MW với 3 tua bin, cung cấp hàng năm khoảng 25,4 triệu kWh/ năm. Ảnh: Thông Hải/ Báo ảnh Việt Nam

Ngược thời gian về thế kỉ 17, cùng với việc lập Đội Hoàng Sa ở Lý Sơn thì chính quyền chúa Nguyễn đồng thời cũng thành lập Đội Bắc Hải ở Bình Thuận có chức năng tương tự là khai thác hải sản và thu nhặt sản vật từ quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quý, Côn Lôn, Hà Tiên và các xứ Bắc Hải. Đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản nên có tên chung là Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (tại vị 1738-1765), chính quyền Đàng Trong đã tổ chức trên đảo Phú Quý 14 làng và 1 ấp. Từ các làng và ấp sơ khai ngày nào giờ đây Phú Quý đã trở thành một huyện đảo trù phú với dân số lên đến gần 30.000 người. Ngày nay, những hậu duệ của Đội Bắc Hải năm xưa đã xây dựng được một đội tàu đánh bắt cá xa bờ hùng hậu lên đến 1.500 chiếc có công suất từ 90 CV/chiếc trở lên. Và cũng như cha ông xưa, họ vẫn coi ngư trường từ Quần đảo Trường Sa đến Hà Tiên là ngư trường truyền thống của mình. 

 

Từ tiền đề đó, Phó Bí thư Huyện ủy Phú Quý Lê Hồng Lợi cho biết, huyện đảo xác định phát triển kinh tế với trụ cột là đánh bắt thủy sản, hậu cần nghề cá và thương mại dịch vụ, du lịch. Để thúc đẩy việc đánh bắt xa bờ, Phú Quý phát triển mạnh loại hình tàu hậu cần nghề cá nhằm thu mua hải sản, cung cấp nguyên liệu, nhu yếu phẩm cho ngư dân ngay trên biển để giúp các đội tàu có thể vươn xa bám biển dài ngày.

Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, Phú Quý cũng triển khai thực hiện tốt việc cam kết chống khai thác thủy sản bất hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu. “Từ năm 2018 đến nay, đảo Phú Quý không còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài do chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, vận động bà con thực hiện đầy đủ các quy định về đánh bắt xa bờ", ông Lê Hồng Lợi cho hay. 


Ngoài tiềm năng về thủy sản, Phú Quý còn được thiên nhiên ban tặng phong cảnh hoang sơ với những bãi tắm biển tuyệt đẹp. Theo nhiều công ty lữ hành du lịch, đảo Phú Quý với các địa danh như: gành Hang, dốc phượt, mộ Thầy, chùa Linh Sơn, lạch Dù, điểm ngắm hoàng hôn tại vịnh Triều Dương, bờ kè Ngũ Phụng… rất phù hợp cho hướng đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá, mạo hiểm. 

Toàn cảnh bãi cát nhỏ gành Hang ở đảo Phú Quý. Ảnh: Thông Hải/ Báo ảnh Việt Nam

Với cảnh quan hoang sơ, nhiều nắng, gió, san hô, những bãi biển đẹp, không khí trong lành, và nhất là con người hiền hòa, hiếu khách, Phú Quý đang nỗ lực xây dựng một thương hiệu du lịch gắn liền với những đặc trưng riêng dựa trên thế mạnh về biển đảo để phát triển thành những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, quyến rũ thu hút du khách trong và ngoài nước.

 Bài: Thông Thiện        Ảnh: Thông Hải, Công Đạt, Nguyễn Đăng Lâm, VNP, TTXVN và Blueocean

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/tren-que-huong-hai-doi-hoang-sa-kiem-quan-bac-hai-369368.html


top