The Riêng- Cơ hội việc làm cho người khiếm thính
Không chỉ mang đến trải nghiệm ẩm thực chay Việt Nam tinh tế, nhà hàng The Riêng (Hà Nội) là điểm chạm kết nối cộng đồng, lan tỏa yêu thương và mở ra cơ hội làm việc hòa nhập, bình đẳng cho những người khiếm thính.
Khi bước chân vào với ngôi nhà The Riêng, chị Nguyễn Ngọc Hằng- khách hàng thân quen cho biết: “Lúc đầu đến tôi cũng hơi bất ngờ vì không nghĩ nhân viên ở quán là người khiếm thính, khi được quản lý giới thiệu thì cũng thấy khá thú vị vì mô hình rất đặc biệt. Việc gọi đồ và giao tiếp nhân viên phục vụ cũng không có gì khó khăn vì đã được giúp đỡ bởi phần mềm trên điện thoại quán trang bị. Tôi thấy đồ ăn và nước uống ở quán khá ngon nên cũng đến đây với bạn bè nhiều lần để thưởng thức”.
Theo chị Trần Như Ý- quản lý cho biết The Riêng trên phố Bà Triệu được anh Vũ Văn Dũng mở ra khi một lần có một vị khách bước vào nhà hàng được nhân viên hỏi nhưng lại không trả lời, khi biết được lý do vị khách đó bị khiếm thính bẩm sinh anh đã nghĩ ra mô hình tạo việc làm cho người khiếm thính để họ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng.
Hiện tại ở The Riêng có khoảng gần 10 nhân viên là người khiếm thính, mỗi ca làm sẽ có 4 nhân viên để pha chế đồ uống và phục vụ đồ cho khách tại bàn ăn. Trước khi làm việc những nhân viên này sẽ được đào tạo về phương thức phục vụ và công thức pha chế đồ uống.
"Bất đồng ngôn ngữ là vấn đề chính khi cộng đồng khiếm thính chủ yếu đọc và dùng ngôn ngữ ký hiệu. Nhiều khi các bạn không hiểu hết các từ ngữ chuyên môn nên một số khâu cần thuê thêm thông dịch viên để hỗ trợ. Điều này để tránh nhiều khi không hiểu các bạn sẽ dễ bị tổn thương tâm lý”, chị Ý cho biết.
Với sự phát triển về công nghệ hiện nay, nhà hàng đã chuẩn bị cho khách có thể quét mã QR để gọi đồ ăn. Bốn nút xanh lá, đỏ, xanh dương, trắng tương ứng với những câu lệnh gồm gọi nhân viên, gọi món, thanh toán và hủy lỡ bấm nhầm. Khi khách bấm, tín hiệu sẽ được truyền tới một thiết bị rung kèm màn hình Led hiển thị số bàn, câu lệnh được nhân viên đeo trước ngực.
Để giúp cho việc giao tiếp thuận tiện hơn giữa nhân viên phục vụ là người khiếm thính và khách khi tới thưởng thức đồ ăn ở quán, The Riêng có ứng dụng riêng với gần 100 mẫu câu cho các tình huống để nhân viên giao tiếp với khách, gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt. Khi nhân viên bấm vào điện thoại sẽ phát ra âm thanh. Các câu thoại được lên kịch bản dựa trên kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng nhiều năm nên gần như đầy đủ tình huống, từ khâu chào khách, gợi ý thêm món, xin lỗi nếu có sự cố, chúc khách ngon miệng
Kim Anh- nhân viên khiếm thính phục vụ tại The Riêng bắt đầu từ tháng 1/2025. Khi mới vào Kim Anh cũng được dạy pha chế trong một tháng. Đến nay, tuy chưa thuộc hết công thức và còn gặp khó khăn trong việc thực hành nhưng cô gái này vẫn luôn cố gắng cải thiện mỗi ngày.
Kim Anh chia sẻ: “Sau gần 3 tháng n làm việc, em cảm thấy bản thân đã có nhiều thay đổi và tích lũy được thêm kinh nghiệm. Trong quá trình phục vụ, đôi khi em cố gắng giải thích với khách hàng nhưng do rào cản trong giao tiếp nên khách chưa hiểu rõ. Em cũng đã chủ động mời quản lý lên để hỗ trợ giải thích thêm cho khách. Nhìn chung đây đều là khó khăn nhỏ nhưng em đã thành thạo và khá yêu thích công việc này.”.
Đến nay, với đồ ăn đa dạng và hợp khẩu vị với nhiều khách hàng, quán sẽ đón lượng khách khá đông vào những ngày mùng 1 và rằm hàng tháng. Những nhân viên khiếm thính sẽ được trả thu nhập theo tháng, ngoài ra toàn bộ lợi nhuận của nhà hàng sau khi hoàn vốn sẽ được dùng để đóng góp vào Qũy Cộng đồng của người khiếm thính và hỗ trợ bệnh nhân ung thư./.
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/the-rieng-co-hoi-viec-lam-cho-nguoi-khiem-thinh-396604.html