Tháp Bà Ponagar - Quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo

Tháp Bà Ponagar - Quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo

Là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Nha Trang, tháp Bà Ponagar nằm trên quả đồi xinh đẹp cạnh bờ sông Cái hiền hòa. Với lối kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp cổ kính mang sự huyền bí của tâm linh khiến cho tháp Bà Ponagar luôn trở nên hấp dẫn du khách.

Tháp Bà Ponagar nằm trên quả đồi xinh đẹp cạnh bờ sông Cái hiền hòa. 

Tháp Bà Ponagar có tên gọi khác là Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (Inư, Ana trong tiếng Chăm, Eđê, Jarai theo âm cổ gốc có nghĩa là Mẹ). Tháp được xây dựng trong khoảng từ thế kỉ thứ 8 đến hết thế kỉ thứ 13. Đây là thời kỳ đạo Hinđu (Ấn Độ giáo) đang trong giai đoạn cực thịnh tại vương quốc Chămpa cổ.

Tháp Bà mang dáng dấp của một ngôi đền, đậm dấu ấn kiến trúc vương quốc Chăm cổ xưa. Toàn bộ quần thể gồm 3 tầng, mang nét đặc trưng của những đền đài từ hơn chục thế kỉ trước. Tầng tháp cổng đến nay không còn, chỉ có dấu tích còn sót lại những cột trụ và bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa (được gọi là Mandapa). Mandapa tiếng Chăm có nghĩa là nhà tĩnh tâm, là nơi khách hành hương nghỉ chân và chuẩn bị lễ vật để dâng lên nữ thần.

 

Bước lên tầng cao nhất, ngọn tháp sừng sững 23 mét sẽ hiện ra trước mắt bạn, tráng lệ, hùng vĩ. Tháp xây bằng gạch, khít mạch, không dùng bất kỳ một thứ chất kết dính nào hết. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng Đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đỉnh các trụ thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp. Ngoài ra, thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình các tiên nữ, các loài thú như nai, ngỗng vàng, sư tử và đặc biệt hơn cả là tượng thần Ponagar, thần Tenexa.

Tháp Bà được xây bốn tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Tháp chính (còn gọi là dinh Bà, thờ nữ thần Ponagar), tháp giữa (dinh Ông), tháp đông (dinh Cố), tháp Tây Bắc (dinh Cô, dinh Cậu).

Ở đây, nổi bật nhất là Tháp Bà Ponagar với bốn tầng, tượng trưng cho sắc đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo, bên trong có tượng nữ thần cao 2,6 mét, tạc bằng đá hoa cương màu đen, ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa, là sự kết hợp hài hoà giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Các tháp khác thờ thần Shiva, thần Sanhaka và thần Ganeca.

 

Bên trong tháp là tượng nữ thần cao 2,6m tạc bằng đá hoa cương màu đen ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa vào phiến đá lớn hình lá đề. Có thể nói, tháp như một kiệt tác về điêu khắc và chạm trổ, là đỉnh cao của vương quốc Chăm cổ xưa trù phú.

Về phía nam khoảng 20 mét là một ngôi tháp nhỏ, cao chừng 12 mét, thờ thần Shiva – một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Kế bên là một tháp nhỏ hơn, bên trong tháp chỉ có một thạch trụ, là tháp thờ thần Ganesa, thân người đầu voi, con của thần Shiva. Cả ba tòa tháp đều mang nét kiến trúc đặc trưng của người Chăm cổ, thu hút khách du lịch từ khắp nơi kéo về chiêm ngưỡng và thưởng ngoạn.

Tháp Ponagar chính là một thành tựu tiêu biểu nhất về nghệ thuật xây dựng kiến trúc đền tháp, nghệ thuật điêu khắc, bia ký và tôn giáo, tín ngưỡng, một chứng tích rõ ràng cho sự ảnh hưởng lớn mạnh của Hindu giáo đối với người Chăm và sau này là người Việt./.


Bài và ảnh: Thông Hải

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/thap-ba-ponagar-quan-the-kien-truc-nghe-thuat-doc-dao-308000.html


top