Hộ sản xuất gia đình anh Phí Công Kiệt đã đầu tư hệ thống sấy miến hiện đại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất bún, miến.
Cũng lấy sản phẩm miến dong làm chủ đạo và là sản phẩm tự hào của làng nghề Minh Khai, Hộ gia đình anh Đỗ Danh Xuân là một trong những mô hình kinh doanh có hướng đi sáng tạo và đột phá. Anh Xuân đã mạnh dạn nghiên cứu và thử nghiệm ra loại miến sắn dây và miến đỗ xanh vừa tận dụng được nông sản sạch của địa phương vừa là loại thực phẩm dễ chế biến, thưởng thức hương vị mới nên rất được thị trường yêu thích. Mỗi ngày cơ sở bún miến Xuân Hường sản xuất khoảng 3 đến 5 tấn gạo. Với sản phẩm miến sắn dây, Anh Xuân cho biết là cơ sở sản xuất nhà anh rất nhiều đơn hàng, nhiều đợt sản xuất không kịp đáp ứng thị trường nhưng anh quan niệm: Lấy chất lượng làm tiên phong nên cơ sở sản xuất Xuân Hường không chạy theo số lượng mà luôn đảm bảo sản phẩm miến dong làm ra phải tươi, ngon, sạch và có bí quyết riêng mà không loại miến dong nào sánh được. Những sản phẩm miến, bún tại cơ sở Xuân Hường cũng đều là sản phẩm OCOP 4 sao của Hà Nội.
Sản phẩm bún gạo Lứt của cơ sở sản xuất Đỗ Danh Chí đạt OCOP 4 sao.
Khó có thể liệt kê hết những hộ gia đình làm miến tại làng Minh Khai, mỗi hộ đều có những bí quyết riêng để sản phẩm miến, bún của cơ sở mình có sự đặc trưng nhận diện thương hiệu nhưng tựu chung lại bà con đều hướng đến sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là giữ gìn truyền thống, thương hiệu của làng nghề.Anh Đỗ Xuân Đáng, Chủ tịch UBND xã Minh Khai chia sẻ rằng: Ở Minh Khai, cái quý nhất là người dân chăm chỉ lao động, giữ nghề truyền thống và luôn tự hào với nghề làm bún, miến lâu đời của quê hương. Thế hệ của anh và bao người bạn trong làng quê bé nhỏ này đều lớn lên từ hương vị của gạo, của miến. Nhiều bạn bè anh sau này học hành thành tài nhưng về quê vẫn không quên giúp đỡ bà con làm miến, làm bún. Gói Bún, gói miến như chở cả “ký ức tuổi thơ” của bao người trong đó có anh. Hiện nay, Xã Minh Khai là một trong những địa phương đi đầu của Huyện Hoài Đức, Hà Nội tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bún miến phở khô Minh Khai” để nâng cao vị thế cho sản phẩm làng nghề đồng thời lan tỏa thương hiệu làng nghề đến bạn bè quốc tế. Nhiều doanh nghiệp của Minh Khai đã xuất khẩu bún khô, miến dong đến các thị trường quốc tế như: Nga, Hàn Quốc, Hà Lan… Ngoài miến dong, còn có miến khoai lang, khoai tây, bún phở khô gạo lứt, miến sắn dây vừa đa dạng các loại sản phẩm vừa góp phần phong phú cho hương vị ẩm thực Việt Nam.
Sản phẩm Phở khô, bún gạo Lứt của cơ sở Thanh Vân Food không chỉ chất lượng cao mà còn là những sản phẩm OCOP3 sao.
Người làm nghề sản xuất bún, miến, gạo, phở… của làng Minh Khai có một tố chất là dẻo dai và chịu khó như chính đặc trưng sản phẩm bún miến họ làm ra vậy. Hàng ngày, bà con đều dậy sớm từ 3h sáng để ngâm gạo, nấu gạo rồi chờ ánh mặt trời tự nhiên là phơi bánh ra giữa cánh đồng. Tận dụng ánh nắng của mặt trời để bánh gạo khô, thơm đậm chất đồng quê. Sau đó, bà con lại hối hả trở về với xưởng sản xuất, những âm thanh lách cách của máy cắt miến, bún lại vang lên nhịp nhàng, các bà, các chị cùng đóng túi sản phẩm bắt đầu đưa sản phẩm phân phối khắp muôn nơi.Có lẽ sự chuyên cần lao động của người làng nghề đã được ghi nhận bằng thành quả ngọt. Bún, miến thương hiệu làng Minh Khai đã có mặt khắp thị trường Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Làng quê Minh Khai cũng ngày một đổi mới và khang trang hơn. Nụ cười và tình yêu lao động của bà con đã nhân lên muôn phần.
Miến sắn dây Dochi- Dai ngon từng sợi là sản phẩm tâm huyết mà anh Đỗ Danh Xuân đã chế biến thành công đưa sản phẩm này thành một món ăn ẩm thực được người tiêu dùng yêu thích.
Trong chiến lược phát triển sắp tới, Xã Minh Khai cùng các hộ sản xuất trong làng đã chung tay đoàn kết để Hiệp hội sản xuất bún miến của làng ngày một lớn mạnh, các hộ đều đầu tư khoa học kỹ thuật và hệ thống máy hiện đại để nâng cao công xuất sản phẩm, phấn đấu đưa làng Minh Khai trở thành một điểm sáng kinh tế của nông thôn mới Hà Nội đồng thời gắn kinh tế làng nghề với du lịch sinh thái khám phá nghề Việt.
Hà Nội hiện nay có 1.350 làng nghề, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Nhờ những lợi thế đó, Hà Nội có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code, có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 sản phẩm). Trong đó có 04 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
(*Bài có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội)
Bài: Trần Vân, ảnh: Thanh Giang/ Báo ảnh Việt Nam